Hóa đơn tiền điện đội giá: Cách tính gộp gây nhầm lẫn?

Thứ Hai, 04/03/2024, 15:40

Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ của ngành điện đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi EVNHANOI cho rằng, tiền điện đã được tính đúng và đã được truyền thông tới khách hàng, thì nhiều khách hàng vẫn cho rằng, ngành điện đang làm cho vấn đề trở nên rối rắm, khó hiểu, dễ gây lo lắng cho họ.

Hóa đơn đội giá, khách hàng bức xúc

Mấy ngày gần đây, người tiêu dùng Hà Nội cho biết hóa đơn tiền điện ttháng 2 tăng vọt. Nhiều người thắc mắc về cách tính tiền điện theo bậc thang khi gộp 2 tháng mới thanh toán, liệu có làm tiền điện bị “đội lên” hay không, trong khi biểu giá điện hiện nay được thiết kế làm 6 bậc. Trong đó, bậc 1 có giá thấp nhất (50 số đầu là 1.806 đồng/kWh), bậc 6 có giá cao nhất (401 số trở lên có giá 3.151 đồng/kWh). Do vậy, nhiều khách hàng e ngại nếu dùng nhiều thì số bậc nhảy càng tăng, tiền đóng nhiều hơn so với đóng từng tháng.

Chị Nguyễn Phương (Hà Đông) cho biết, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 2/2024 của hộ gia đình chị (từ10-1/2024 đến 29/2/2024- 51 ngày) là 820 kWh. Số tiền phải thanh toán là 2.289.065 đồng. Trong khi kỳ thanh toán tháng trước từ  là 31 ngày từ 10/12/2023- 9/1/2024 số điện tiêu thụ là 504 kWh, với số tiền thanh toán là 1.410.376 đồng.

Hóa đơn tiền điện đội giá: Cách tính gộp gây nhầm lẫn? -0
Chỉ số tiêu thụ điện tháng 2 của gia đình chị Phương tăng vọt.

“Tôi và nhiều khách hàng thấy hóa đơn tiền điện tăng quá cao, với những hộ dùng nhiều thì cách tính bậc thang và cách ghi công tơ với số ngày dài như vậy thì người tiêu dùng có bị thiệt không? Chưa kể, tháng 2, gia đình tôi về quê ăn Tết tới 10 ngày, không hề sử dụng điện, mà hóa đơn vẫn tăng đều đều. Ngoài ra, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tiền điện kỳ này cũng tăng vọt. Trên đồ thị dùng điện, đây là kỳ tôi phải trả nhiều tiền nhất, nhiều hơn cả tháng cao điểm nắng nóng nghỉ hè học sinh ở nhà bật điều hòa cả ngày”, chị Phương phản ánh.

Tương tự, anh Minh (Hà Đông) cho biết lượng điện tiêu thụ tháng 2 vọt lên 2.127 kWh, gấp hơn hai lần tháng trước đó. Tiền điện vì thế cũng tăng tương ứng, lên tới 6,7 triệu đồng. Thông thường, gia đình anh trả khoảng 2,3-2,8 triệu đồng tiền điện, vào dịp hè, tháng cao điểm nhất trên 3 triệu đồng. Các thiết bị điện trong nhà không thay đổi (4 điều hòa, 2 bình nóng lạnh và một số thiết bị khác) nhưng lượng tiêu thụ tăng vọt. "Tiền điện tháng này hơn cả cao điểm hè dùng điều hòa liên tục hay đợt COVID-19, khi mọi người phải làm việc tại nhà", anh nói.

EVNHANOI nói gì?

Trước phản ánh của khách hàng, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) khẳng định, không có việc người dân phải trả tiền theo bậc cao nhất do thay đổi ngày ghi chỉ số.

Trên thực tế, việc hóa đơn tiền điện của khách hàng ở Hà Nội tăng cao là vì từ ngày 29/2 EVN Hà Nội đổi ngày ghi chỉ số vào cuối tháng. Do đó trong lần thông báo hóa đơn tiền điện này, số ngày tính tiền điện là gần 2 tháng, thay vì chỉ 1 tháng như bình thường.

Hóa đơn tiền điện đội giá: Cách tính gộp gây nhầm lẫn? -0
Ví dụ cách tính giá điện cho 1 hộ dân được EVNHANOI đưa ra

Theo EVNHANOI , từ ngày 29/2, EVNHANOI triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng. Việc thay đổi chỉ số ghi công tơ về cuối tháng và cách tính tiền điện trong tháng chuyển đổi đã được EVNHANOI thông báo rộng rãi đến khách hàng từ cuối năm 2023 thông qua các phương tiện truyền thông và gửi tin nhắn nhiều lần đến khách hàng. Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thực hiện chuyển đổi số và tạo điều kiện cho khách hàng thuận tiện trong việc giám sát và theo dõi lịch ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVNHANOI, bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện.“Đây là chủ trương chung và Tổng công ty đã báo cáo các cấp để thống nhất triển khai đồng bộ, thông tin tuyên truyền cho người dân”,  ông Nguyễn Đình Thắng nói.

Dù EVNHANOI đã lên tiếng, song khách hàng vẫn thấy không thỏa đáng. Chị Thu Nga (Long Biên) cho biết, nhà chị ở chung cư, một tháng trung bình 200-300 kWh. Nếu tính như ngành điện giải thích là đã nâng cách tính bậc 1 từ 50 kWh lên định mức thực tế là 92, bậc 2 là từ 100 kWh lên 184kWh…, với những hộ gia đình đang dùng và tính theo tháng, bậc 1 là 50 kWh, số ngày tính dài hơn, gần 2 tháng thì phải là 100 kWh, nhưng theo định mức của EVN Hà Nội là 92 kWh. Tương tự các bậc khác cũng vậy. Nếu so sánh số bậc như vậy cho thấy mỗi bậc dư ra 8 số, vậy người tiêu dùng thiệt hại 8 kWh ở bậc 1, bậc 2 là 16 kWh.

Cùng chung thắc mắc về số tiền điện đóng và các bậc đóng không như thông báo trên hóa đơn, chị Thu Hương (Thanh Xuân) cho biết, định mức thực tế bậc 1 là 92 kWh nhưng hóa đơn của gia đình chị lại nhảy số từ 89 kWh lên bậc tiếp theo. Hay với hóa đơn của chị Nguyễn Phương bậc 1 là 82 kWh; bậc 2 là 82 kWh và bậc 3,4,5 là 165kWh trong khi định mức cơ bản là 184kWh…

Tính gộp có tắc trách?

Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng theo thông thường, khách mua hàng càng nhiều thì càng được giảm giá, duy chỉ có ngành điện là khách sử dụng càng nhiều thì càng chịu giá cao. Mà giá tính bậc thang nên việc gộp 2 tháng để tính tiền 1 lần gây lo lắng hay hiểu nhầm là điều khó tránh khỏi.

“Giờ ngành điện bảo rằng dù gộp 2 tháng tính 1 lần, nhưng số tiền phải đóng so với việc đóng 2 lần 2 tháng vẫn không đổi, không tăng, trong khi khách hàng cho rằng số tiền mình thực nộp lại bị đội lên. Kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" này cần phải được làm rõ, trên cơ sở hóa đơn và tính toán cụ thể. Trong trường hợp phần đông khách hàng phản ánh số tiền điện bị tính sai, và cách tính toán, cách giải thích từ phía ngành điện không thỏa đáng, thì có thể cần tới sự vào cuộc của thanh tra. Như thế, mọi chuyện sẽ rõ ràng”, ông Long nói.

Tuy nhiên nhiều người vẫn bức xúc cho rằng cách làm của ngành điện trong trường hợp này là dễ gây ra sự hiểu lầm, lo lắng cho người dân. Anh Huy (Thanh Trì) nói, nếu trong trường hợp ngành điện có tính tiền theo từng tháng, sao không tách riêng số tiền ra cho dễ hiểu. Ví dụ số tiền điện tháng 1 là X đồng (có bảng tính chỉ số điện năng tiêu thụ và lũy kế theo bậc), số tiền tháng 2 là Y đồng, tổng 2 tháng bằng X+Y. Như thế, cũng không cần rắc rối nâng chỉ số tính bậc thang từ 50 số lên 90 số làm gì cho phức tạp.

“Cứ cho là việc tính gộp không gây thiệt hại cho khách hàng, thì rõ ràng chính ngành điện đang làm cho vấn đề trở nên rối rắm, khó hiểu, gây dư luận không tốt. Chưa kể, nếu tách 2 tháng, thì áp lực đóng tiền điện sẽ giảm, ví dụ như nhà tôi, mỗi tháng 2,5 triệu đồng sẽ bớt áp lực hơn để 2 tháng đóng 1 lúc 5 triệu đồng. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, điều này rõ ràng gây ức chế cho khách hàng”, anh Huy phân tích.

Hà An - Lưu Hiệp
.
.
.