Hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp xuất khẩu
Xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản đang là điểm sáng trong nửa đầu năm 2022 với kim ngạch đạt gần 28 tỷ USD (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Mặc dù đạt kết quả ấn tượng nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, XK nông, lâm, thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn…
Gỡ rối cho doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, công ty đang gặp khó khăn trong việc XK hạt điều. Cụ thể, công ty XK chủ yếu qua hệ thống form B không có ưu đãi về thuế. Để xin được C/O (chứng nhận xuất xứ) form B thì có 3 tiêu chí: Tiêu chí CTSH (chuyển đổi mã số hàng hóa), LVC (tỷ lệ phần trăm giá trị), WO (xuất xứ thuần túy).
Mà đại đa số các DN Việt Nam khi xin C/O from B đều dùng tiêu chí WO, trong khi tiêu chí này đại đa số DN khó đạt được, bởi chúng ta NK 40-60% lượng điều XK. Vì vậy, rất mong Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan khuyến cáo các DN khi xin C/O from B không được ưu đãi thuế thì chỉ cần 2 tiêu chí là CTSH và LVC. Bởi nếu DN xin theo tiêu chí WO, về bảng kê, xuất xứ nguồn gốc thì không đạt được.
“Hiện tại, công ty chúng tôi cũng gặp khó khăn, đó là khi bộ phận chứng từ xin C/O fom B không ưu đãi thuế thì họ lại xin theo tiêu chí WO nên việc kiểm tra, truy xuất, tất cả các vấn đề về bảng kê rất là khó khăn. Công ty cũng gặp nhiều thách thức khi cơ quan hải quan vào kiểm tra”, ông Thông nói.
Một vấn đề khác DN XK cần được tháo gỡ, đó là cách phân loại mã số HS chưa rõ ràng. Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam dẫn chứng qua 2 sản phẩm: Thứ nhất, là viên nén đen XK. Viên nén này được ép bởi dăm bào, mùn cưa gỗ để làm chất đốt (áp dụng mã số thuế là 4401.31.00, thuế suất là 0%). Tuy nhiên, để viên nén thông thường này trở thành viên nén đen thì DN phải mất thêm một công đoạn nữa là gia nhiệt thêm để làm cho bề mặt viên nén đó nám đen, với công dụng bền hơn. Hiện, cơ quan hải quan đang áp dụng viên nén đen XK mã số thuế 4402.90.90.90, thuế suất là 5%.
“Nếu về mặt chế biến thì công đoạn viên nén đen làm nhiều hơn viên nén thông thường, trong khi viên nén thông thường thuế suất 0% thì lẽ ra viên nén đen phải cho thêm tiền nhiều hơn chứ tại sao lại chịu mức thuế suất cao hơn, điều này là vô lý”, ông Thanh nói.
Tương tự, với sản phẩm gỗ ghép hình trụ XK. Sản phẩm này được làm từ nhiều miếng gỗ ghép thanh, trong khi gỗ ghép thanh đang áp dụng mã số thuế là 4407 thuế suất 0%, còn gỗ ghép hình trụ XK thì đang chịu thuế suất 25%, đó là điều vô lý. Vì vậy, ông Huỳnh Quang Thanh đề nghị, cơ quan Hải quan có thẩm quyền cần xem lại tính hợp lý của nó để hỗ trợ DN. Bởi, nếu không xem xét kỹ sẽ xảy ra hệ lụy là sẽ mất thị trường vì sản phẩm làm 100 đồng cộng 25% thuế, giá cao vậy thì ai mua. Còn trường hợp những DNXK đó bị truy thu thuế thì cũng sẽ bị… phá sản.
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Cùng với những khó khăn trên, các DN XK nông, lâm, thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN trong XK hàng hóa như: Lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường XK, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics tăng mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tổng số lượng DN logistics tại 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 DN cung cấp dịch vụ logistics (chiếm khoảng 4,39% số lượng DN logistics của cả nước), chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các DN, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng... Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải DN phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến.
Trước tình hình khó khăn trên, bà Bùi Hoàng Yến, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương cho rằng, DN cần tận dụng hơn nữa cơ hội để thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là động lực để tăng trưởng XK trong năm 2022. Hiện, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường XNK trong thời tới. Đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...
Vậy DN cần làm gì để tận dụng hơn nữa cơ hội, thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam đã có FTA, đại diện Cục XTTM cho rằng, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về hiệp định để nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng mà DN Việt Nam có thế mạnh hoặc nhiều tiềm năng XK trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu những thách thức, cơ hội để có sự chuẩn bị và đặc biệt là DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Về phía Cục XTTM, để hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK, Cục XTTM đã xây dựng đề án và triển khai hệ sinh thái XTTM trở thành nền tảng tích hợp, kết nối các DN Việt với các đối tác có nhu cầu NK và giữa các DN với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường XK. Cục XTTM cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai đa dạng các hình thức XTTM thông qua chương trình XTTM quốc gia.
Trước mắt, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường sớm khôi phục sau dịch COVID-19. Về lâu dài, đẩy mạnh vào các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ… Đồng thời, Cục XTTM cũng phối hợp với tham tán thương mại của 56 quốc gia, tổ chức các phiên tư vấn thị trường, cung cấp thông tin thị trường và kết nối giao thương cho DNXK.