Hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng Tết
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương thành phố hiện đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường (DN BOTT) xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ kế hoạch của UBND TP đã ban hành, đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định. Theo kế hoạch, lượng hàng BOTT trong tháng Tết Quý Mão 2023 dự kiến đáp ứng từ 25 - 43% nhu cầu thị trường.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh 13.000 tấn/ngày, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu. Riêng mặt hàng gạo 2.000 tấn/ngày, thịt gia súc 750 tấn/ngày, thịt gia cầm 650 tấn/ngày, trứng 2 triệu quả/ngày…
Nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của TP Hồ Chí Minh rất lớn như vậy nhưng sản xuất của thành phố chỉ đáp ứng một lượng rất nhỏ như: gạo chỉ đáp ứng 2% so với nhu cầu thị trường, thịt heo cung ứng 13%, thịt gia cầm cung ứng chưa đến 1%, rau củ quả đáp ứng gần 30%... Vì vậy, phần lớn hàng lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh phải nhập từ các tỉnh lân cận.
Hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh qua 3 kênh phân phối chính để đến tay người tiêu dùng (NTD): Hàng từ các tỉnh đổ về 3 chợ đầu mối, từ đó phân ra 232 chợ lẻ và các điểm kinh doanh nông sản với tổng lượng hàng chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ trên toàn thị trường thành phố; Với kênh phân phối hiện đại gồm 237 siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, hệ thống này chủ yếu mua trực tiếp từ các nhà cung ứng, các đơn vị trồng sau đó tập trung về kho đầu mối và phân phối vào hệ thống của mình.
Đặc biệt, kênh phân phối thông qua DN BOTT chiếm 25-30% sản lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố, rất được NTD quan tâm do giá sản phẩm luôn thấp hơn thị trường từ 5%-10%, trong khi cùng quy cách, chủng loại, chất lượng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời, hàng BOTT cũng được điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, có khả năng dẫn dắt thị trường, góp phần ngăn chặn tình trạng ghìm hàng, tăng giá.
Để có nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh, theo Sở Công thương, trong tháng 11 này Sở sẽ tổ chức 2 sự kiện: Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Đối tượng tham dự là các DN sản xuất trên tất cả các tỉnh, thành cả nước. Tại đây, có không gian kết nối tập trung, những DN nào có nhu cầu giới thiệu sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối nào của thành phố thì sẽ tiếp cận trực tiếp hệ thống phân phối đó.
Tại sự kiện, Sở Công thương có kết hợp với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Lazada, Tiki... để giới thiệu cho các DN cách thức tham gia để đưa hàng nông sản của mình bán trên sàn TMĐT; Riêng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, Sở Công thương phối hợp với hệ thống phân phối MM Mega Market tổ chức hội nghị riêng cho sản phẩm OCOP phía Nam (từ Bình Thuận tới Cà Mau), miễn phí các gian hàng trưng bày để hỗ trợ người sản xuất.
Mặc dù nguồn hàng khá dồi dào nhưng các DN, đặc biệt DN BOTT đã gặp không ít khó khăn trong việc thu mua, dự trữ và tiêu thụ hàng hóa. Nhiều DN cho rằng, tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống, chợ tự phát chưa được kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn được bán tràn lan với giá rẻ, gây ảnh hưởng đến các DN kinh doanh đạt chuẩn.
Tại các khu công nghiệp, do khu vực lưu trú của công nhân ở xa khu công nghiệp, vì vậy việc tổ chức bán hàng lưu động của các DN BOTT trong khu vực gặp nhiều khó khăn nên người lao động vẫn giữ thói quen mua sắm tại các chợ tạm, hàng rong. Thực tế cũng cho thấy, thực hiện BOTT đối với sản phẩm đầu ra trong khi nguyên liệu đầu vào không được bình ổn giá đã tạo ra nhiều bất cập nên DN mong thành phố xem xét mở rộng BOTT cả chuỗi cung ứng từ nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ hàng hóa.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất tăng rất nhiều nhưng các DN tham gia chương trình bình ổn và những mặt hàng chủ lực của xã hội vẫn giữ nguyên giá thành và gần như không có thay đổi gì lớn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay ở tất cả các DN sản xuất trong ngành đó là cần vốn lưu động nhiều hơn những năm trước để dành cho sản xuất do đột biến tình hình nguyên vật liệu của thị trường tăng giá. Trong khi vốn DN cần nhiều nhưng hiện nay các DN bị giới hạn bởi chuyện vay vốn.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cũng kiến nghị, trong những lúc lãi suất ngoài thị trường tăng cao, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi xuất ưu đãi hợp lý để giúp DN mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng kho bãi…
Trả lời thắc mắc về nguồn vốn cho DN BOTT, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, Ngân hàng sẵn sàng cho vay để đáp ứng nhu cầu về vốn cho DN bình ổn với lãi suất thấp. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ đồng hành gắn kết với DN bình ổn, trước mắt từ nay đến Tết sẽ ổn định lãi suất trong bối cảnh áp lực lãi suất đang tăng để tạo điều kiện cho các DN bình ổn sản xuất hàng hóa với giá thành ổn định, hỗ trợ tích cực cho người dân, nhất là mặt hàng thiết yếu, mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết.
Đối với DN bình ổn, ngành ngân hàng chưa bao giờ thiếu vốn đối với DN này, lãi suất cho vay luôn thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%/năm, đây là điều kiện rất tốt để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN bình ổn.