Hàng không Việt cuối năm vẫn loay hoay vượt khó

Thứ Tư, 08/11/2023, 06:30

Gần cuối năm 2023, các hãng hàng không đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, tuy nhiên, những khó khăn của ngành hàng không vẫn hiện hữu như: Nhu cầu sụt giảm vì kinh tế khó khăn, giá đầu vào nhiên liệu tăng cao, các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính, tỷ giá, lãi suất… khiến lợi nhuận của các hãng hàng không khó tăng trưởng như kỳ vọng. Hàng không vẫn chưa qua được “vòng xoáy khó khăn”, thua lỗ và nợ nần.

Cắt giảm toàn bộ đường bay quốc tế, giảm tần suất bay nội địa để “tránh lỗ”

Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) ghi nhận doanh thu 23.600 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.

ca-n cu-´ va`o tu-`ng khung gio-` cao die^-m, nia mo-- to^´i da he-^ tho^´ng ma´y soi chie^´u an ninh.jpg -0
Khách qua cửa kiểm tra an ninh tại sân bay.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%. Sau khi trừ đi các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế quý III/2023 là 2.203 tỷ đồng, giảm lỗ so với mức lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý lỗ ròng thứ 15 liên tiếp kể từ quý I/2020. Và tiếp tục là “quán quân” thua lỗ trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.

Khó khăn cũng diễn ra tương tự với hãng hàng không Bamboo Airways. Liên tục thay đổi nhân sự cấp cao, trong chưa đầy 1 năm qua, hãng hàng không này đã 5 lần thay người đứng đầu. Đồng thời, hãng cũng liên tục gửi đi thông báo đến các đại lý về việc tạm dừng hàng loạt đường bay quốc tế mà hãng đang khai thác và đã từng đặt kỳ vọng như dừng đường bay đi Úc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore… Với thị trường trong nước, hãng cũng giảm tần suất với nhiều đường bay trục chính, nhiều đường bay ngách cũng đã tạm dừng bay.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để bù đắp cho sự sụt giảm tại các thị trường truyền thống, một số hãng thì cắt giảm đường bay, một số hãng lại tích cực mở thêm những đường bay quốc tế mới kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới các điểm tại Australia, Ấn Độ, bước đầu ghi nhận những kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, hiện slot dành cho các hãng bay Việt Nam tới 2 thị trường này đã được khai thác hết, nên khả năng gia tăng doanh thu thông qua việc tăng tần suất khai thác trong ít nhất 6 tháng tới là rất thấp. Tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế rất chậm, dẫn đến tình trạng các hãng tiếp tục đổ tải cung ứng vào thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường nội địa cũng gặp khó khăn do sức mua giảm. Tình trạng dư thừa tải cung ứng thấy rõ trong 5 tháng cuối năm khi tải cung ứng tổng thị trường tăng 15,2% so với năm 2019, nhưng khách tổng thị trường chỉ dự báo tăng 7,5%. Điều này tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng hàng không.

Hàng không sụt giảm

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10/2023, tổng thị trường hành khách hàng không đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ 2022, giảm 1% so với tháng 9/2023. Trong đó, sản lượng vận tải hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với tháng 10/2022, giảm 0,5% so với tháng 9/2023 và bằng 84% so với tháng 9/2019. Do đang trong giai đoạn thấp điểm nên vận chuyển khách nội địa đạt 2,7 triệu khách, giảm 15% so với tháng 10/2022, giảm 1,2% so với tháng 9/2023. Đây cũng đã là tháng thứ 3 liên tiếp, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa giảm so với tháng liền kề.

Tổng thị trường hàng hóa trong tháng 10/2023 ước đạt 97.000 tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ 2022, tăng 1,5% so với tháng 9/2023.

Đáng nói, do dư thừa cung tải, một số hãng bay trong nước đang tiến hành tạm thu hẹp đội máy bay. Trong đó, Vietravel Airlines giảm từ 6 chiếc xuống còn 3 chiếc; Bamboo Airways từ chỗ vận hành 30 máy bay, đã giảm còn 17 chiếc và khả năng còn giảm nữa trong giai đoạn sắp tới. Qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phải phát sinh chi phí duy trì bộ máy, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính. Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các hãng bay trong nước những tháng cuối năm 2023 là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Ngoài giá nhiên liệu, yếu tố lãi suất, tỷ giá (tỷ giá các đồng bản tệ và VND so với USD) và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn, gây bất lợi đáng kể cho các hãng bay Việt so với giai đoạn trước COVID-19. Những yếu tố này chắc chắn sẽ chất thêm gánh nặng tài chính cho các hãng bay trong năm 2023.

Vé máy bay Tết khó giảm

Khảo sát giá vé máy bay Tết ngày 5/11/2023 cho hành trình khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (tức chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 tết Giáp Thìn) chuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội của Hãng VietJet Air có giá 5,5 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines 5,9 triệu đồng/vé, Bamboo Airways, Vietravel Airlines 5,3 - 6 triệu đồng/vé. Với chặng khác đang bán mức giá 4 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá vé máy bay đã nhích tăng dần khi có thông tin quyết định của Thủ tướng về ngày nghỉ Tết 2024 trong 7 ngày, kể từ 8/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết). Theo các hãng bay, tổng cộng gần 6 triệu vé được hãng bay nội đã mở bán, trừ số chặng bay tỉnh có lượng khách mua vé nhiều, còn các đường bay trục vẫn chậm…

Đặng Nhật
.
.
.