Hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay

Thứ Hai, 23/08/2021, 07:40

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hầu hết các đường bay đều tạm dừng, song để mong sớm vượt qua khó khăn đang phải đối mặt, hàng không Việt Nam lại đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay.

Thực tế, dịch COVID-19 khiến thị trường hàng không xuất hiện mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí, dịp Tết Nguyên đán 2021, các hãng hàng không “đua” giảm giá vé máy bay tới mức chạm đáy. Ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay. Gần đây nhất, trước khi dịch bùng phát, ngay giữa cao điểm các nghỉ lễ, khách hàng cũng dễ dàng đặt vé đi Đà Nẵng với mức vài trăm, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng.

“Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn 1 năm qua, các hãng liên tục cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm”, lãnh đạo một hãng hàng không khẳng định, đồng thời vị này cho rằng, cần có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay, đặc biệt là áp sàn giá vé trong bối cảnh đặc thù hiện nay, nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ, tự làm yếu mình, trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh thị trường.

“Giá tối thiểu chỉ phát huy tác dụng tích cực cho nền kinh tế khi công bằng và hài hòa quyền lợi của các hãng hàng không, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý liên quan. Bộ giá tối thiểu phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận xã hội cao khi được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí hợp lý tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau”, vị này nói và đưa ra đề xuất: Tăng giá trần và áp giá sàn, coi đây là giải pháp để hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay -0
Chuyến bay đưa các bác sĩ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. 

Trước ý kiến của doanh nghiệp, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh - nơi có mật độ các chuyến bay đi đến nhiều nhất nước. “Việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh”, văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được đề nghị của doanh nghiệp vận tải hàng không nào về vấn đề tăng trần hay áp sàn giá vé máy bay. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu cá nhân, ông Nề nói: Về cơ bản giá là do quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.

“Trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Tổn thất của ngành hàng không thế giới và trong nước tới con số hàng trăm tỷ USD. Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không, nay lại đua nhau giảm giá thì càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính”, ông Nề cho biết.

Cũng theo ông Nề, cạnh tranh phải bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, tránh giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc này cũng tước bỏ hay hạn chế quyền lợi và nhu cầu của những đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2019.

Theo đó, khung giá có dải giá từ 0 đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay. Cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.               

Dừng vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách

Nhằm tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát hoạt động khai thác chuyến bay thương mại và di biến động, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nói chung và đường bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội nói riêng. Chỉ ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thống nhất với địa phương nơi đến (của chuyến bay) và địa phương tiếp nhận (nếu khác với địa phương đến của chuyến bay) để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Đ. Nhật
.
.
.