Hải quan Quảng Ninh tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Trong thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, giải pháp thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước từ cấp cục đến cấp chi cục, tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng lượng hàng, chuyến hàng làm thủ tục qua địa bàn.
Đồng thời, chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ông Trịnh Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua Cục hải quan Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Rà soát và kiến nghị cắt giảm, thống nhất đầu mối quản lý, thay đổi phương thức kiểm tra đối với các nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra, quản lý chuyên ngành nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, Cục đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 8/2/2022 của Tổng cục Hải quan về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022; ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của Cục Hải quan Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, năm 2021 Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 2 thủ tục hành chính; kiến nghị bãi bỏ 3 thủ tục hành chính; rà soát, đề nghị bãi bỏ 3 nhóm mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. 8 tháng đầu năm 2022, đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 2 thủ tục hành chính; kiến nghị bãi bỏ 1 thủ tục hành chính.
Đồng thời, duy trì dịch vụ công trực tuyến HQ36a mức độ 3,4; triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp/xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan; áp dụng seal định vị điện tử GPS phục vụ công tác giám sát hải quan. Nghiên cứu xây dựng phần mềm “Quản lý hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo các quy định của Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/20219 của Bộ Tài chính”; “Quản trị và điều hành của lãnh đạo các cấp trên nền tảng đám mây nội bộ” đáp ứng yêu cầu công tác.
Tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp với các doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn; thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan tại cấp cục và cấp chi cục; duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Tổ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan và đồng hành cùng doanh nghiệp, Tổ tư vấn Hải quan – Doanh nghiệp, Tổ giải quyết vướng mắc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ…
Đặc biệt, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 dịch COVID-19 có nhiều ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Cục Hải tỉnh đặc biệt chú trọng công tác nắm bắt thông tin, tiên phong đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với những hành động cụ thể, hiệu quả. Đề xuất các kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động XNK tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do UBND tổ chức; tham mưu cho tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với đại diện hãng tàu Maersk để triển khai hoạt động xúc tiến, hỗ trợ hãng tàu đầu tư phát triển hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh; Tham mưu đề xuất với UBND tỉnh, Tỉnh ủy các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn; đề xuất 4 nội dung phục vụ kỳ họp lần thứ 3 nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung; gửi 2 công hàm trao đổi với Hải quan Nam Ninh Trung Quốc về việc tạo điều kiện cho việc xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam và thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, địa phương trong trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, triển khai "vùng xanh an toàn"...
Triển khai kế hoạch chuyển đổi số của Cục Hải quan tỉnh đúng tiến độ, chỉ đạo, định hướng, lộ trình của tỉnh Quảng Ninh và Tổng cục Hải quan; triển khai hiệu quả “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan trong quá trình giải quyết thủ tục”, tạo bước chuyển mới trong tăng cường sự phối hợp, giám sát, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Duy trì triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cấp cơ sở CDCI, qua đó góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao các chỉ số DDCI, PAR Index, SIPAS.
“Năm 2021, hải quan Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành (DDCI); đứng thứ 1/8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)”, ông Nhuận nói.
Ở góc độ đơn vị chi cục, ông Ngô Tùng Dương, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Chi cục đẩy mạnh. Hiện 100% thủ tục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử.
“Hồ sơ hải quan được nộp cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số), doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan (trừ các trường hợp phải nộp chứng từ bản chính, chứng từ bản gốc theo quy định của các bộ, ngành)”, ông Dương cho biết.
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, 8 tháng đầu năm 2022, Hải quan Quảng Ninh đã duy trì dịch vụ công trực tuyến HQ36a mức độ 3,4; tiếp nhận xử lý 3.134 hồ sơ của 485 doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến HQ36a; 2.170 lượt phương tiện xuất nhập cảnh được làm thủ tục hải quan trên hệ thống E-Manifest; tiếp nhận 359 C/O from D điện tử các nước qua hệ thống một cửa ASEAN.
Cùng với đó, Hải quan Quảng Ninh cũng tăng cường xác lập doanh nghiệp trọng điểm, nhận diện, áp dụng hiệu quả các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan tại cả 3 khâu: Trước, trong và sau thông quan. Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu được lợi ích khi cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin hồ sơ doanh nghiệp phục vụ đánh giá đúng mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, đã giúp tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng, đỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ luồng xanh 53,63% (tăng 1,96%), luồng vàng 40,32% ( giảm 1,79%), luồng đỏ 6,04% (giảm 0,17%) so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, phát hiện 31 vụ vi phạm (qua phân luồng kiểm tra thực tế 27 vụ, qua chuyển luồng 4 vụ); thu thuế bổ sung 98,6 triệu đồng, xử phạt 8,65 triệu đồng.
Thu thuế đạt 94% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao
Ông Trịnh Văn Nhuận cho biết, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp; tác động của giá xăng dầu, khủng hoảng của chiến sự Ukraine-Nga, chính sách thuế ưu đãi đặc biệt theo lộ trình cắt giảm thuế khi thực hiện các hiệp định song phương, đa phương đối với nhiều mặt hàng… đã ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Cục Hải quan tỉnh.
Bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các kế hoạch thu NSNN, Kế hoạch điều hành thu NSNN với kịch bản cụ thể cho từng tháng/quý/năm và các nhóm giải pháp theo từng nhóm mặt hàng/doanh nghiệp, phân công nhiệm vụ tới từng Chi cục, Đội/Tổ công tác. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh và địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển hoạt động XNK, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tham mưu cho tỉnh hội đàm với phía bạn Trung Quốc triển khai các giải pháp khôi phục và thúc đẩy thông quan hàng hóa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh…
Đáng chú ý, toàn Cục đã thu hút 1.048 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn, trong đó, 288 doanh nghiệp trong tỉnh, 760 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS cho 44.732 tờ khai; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 9,8 tỷ USD; giảm 20% tờ khai, tăng 30% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm đạt 9.873 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2021, đạt 98,7% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (10.000 tỷ đồng); đạt 94% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (10.500 tỷ đồng); đạt 93% chỉ tiêu điều hành thu (10.600 tỷ đồng).
Không để hình thành điểm “nóng”, đường dây, ổ nhóm vi phạm trên địa bàn
8 tháng đầu năm 2022, Hải quan Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý 140 vụ, trị giá 3,766 tỷ đồng;đạt 88% chỉ tiêu số vụ bắt giữ, đạt 75% chỉ tiêu về trị giá Tổng cục Hải quan giao; giảm 14,7% về số vụ và 79,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xử phạt vi phạm hành chính 409 vụ, tiền phạt 2,8 tỷ đồng, tăng 19% về số vụ, giảm 6,92% về tiền phạt so với năm 2021.
Xác định định hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp; Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tăng cường kiểm soát trên tất cả các tuyến, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu; thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc triển khai các phương án bảo vệ an ninh, quốc phòng; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát khu vực đường biên, cửa khẩu, cùng với các lực lượng Công an, Biên phòng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, bảo vệ an toàn các cửa khẩu trong phạm vị đơn vị quản lý.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế với Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc về đấu tranh chống buôn lậu, chống khủng bố, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu phản động; rửa tiền, thực thi quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ; tạo niềm tin và thuận lợi hóa hợp tác giải quyết các vấn đề quản lý biên giới, phòng chống tội phạm, buôn lậu qua biên giới cùng với đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật về hải quan.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát để nắm chắc địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm và phương thức, thủ đoạn chủ yếu/ mới của các đối tượng; đẩy mạnh công tác sưu tra danh sách các đối tượng có liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình để nâng cao khả năng, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo từ sớm, từ xa,
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm với cơ quan Hải quan.
Phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Tỉnh, Cục Hải quan tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, điều phối các ngành thành viên, các địa phương triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả, ma túy đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, không để hình thành điểm nóng, đường dây, ổ nhóm trên địa bàn.
Hải quan Quảng Ninh gặp mặt hơn 20 doanh nghiệp, nhà đầu tư mới
Ngày 25/8, Cục Hải quan Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp mặt hơn 20 doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, hoạt động XNK trên địa bàn. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh bày tỏ cam kết luôn sát cánh cùng doanh nghiệp hoạt động XNK trên địa bàn. Đồng thời, mong muốn thông qua hội nghị này kịp thời nắm bắt giải quyết trực tiếp những ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư đối với hoạt động XNK hàng hóa, từ đó đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các hãng tàu, các đơn vị kinh doanh cảng biển đã tập trung thảo luận, thẳng thắn phản ảnh những vướng mắc về chính sách, ưu đãi đầu tư; vướng mắc về thủ tục hải quan, chính sách thuế; vướng mắc trong hoạt động giao nhận hàng hóa, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan đến thủ tục ưu đãi về thuế nhập khẩu hàng hóa trong quá trình đang triển khai thi công dự án; thủ tục thông báo cơ sở sản xuất khi doanh nghiệp xây dựng xong nhà máy và lắp đặt xong thiết bị; chuyển đổi nguyên liệu, máy móc dư thừa từ hợp đồng cũ sang hợp đồng mới…
Cùng với đó, các doanh nghiệp đã nắm bắt thêm các chính sách ưu đãi và một số lưu ý với doanh nghiệp đầu tư về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hóa và phân phối hàng hóa của nhà đầu tư là doanh nghiệp FDI; chính sách ưu đãi đầu tư của dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh; ưu đãi đầu tư của dự án đối với doanh nghiệp chế xuất...