“Giữ chân” người lao động khi mở lại hoạt động sản xuất

Thứ Năm, 07/10/2021, 10:40

Sau mấy tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) đã xốc lại tinh thần để tái hoạt động. Tuy nhiên, việc thiếu nghiêm trọng nguồn lao động đang trở thành vấn đề lo ngại hàng đầu khi các DN đồng loạt hoạt động trở lại…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, xác định sức khỏe của người lao động (NLĐ) là gắn liền với “sức khỏe” của DN, chính vì vậy để “giữ chân” NLĐ, Vinamit đã đặt vấn đề sức khỏe về tinh thần và thể chất của NLĐ lên hàng đầu để chăm lo.

Cụ thể, công ty đã làm 1 app để nhân viên khai báo tình trạng sức khỏe của mình để từ đó công ty có hướng hỗ trợ kịp thời. Nhận thấy hầu hết nhân viên công ty bị vấn đề về dạ dày nên Vinamit xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học để tạo ra chế phẩm sinh học hỗ trợ về bệnh dạ dày. Vinamit đưa ra quy định, trong mỗi bữa ăn NLĐ đều phải uống vi sinh để cải thiện hệ thống tiêu hóa đường ruột vì khi sử dụng men sinh học sẽ nâng cao khả năng miễn dịch, từ đó sức đề kháng cũng sẽ tăng vượt trội. Chính vì vậy mà trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, số nhân viên của công ty bị nhiễm COVID-19 thấp, hoặc chỉ vài trường hợp F0 nhưng khả năng hồi phục nhanh.

Tuy nhiên, do tâm lý hoảng sợ dịch bệnh kéo dài nên bệnh mất ngủ, stress của NLĐ tăng. Khảo sát mới đây của công ty cho thấy, có trên 10% NLĐ bị mất ngủ, trong đó khoảng 5% rối loạn về mặt tinh thần. Vì vậy, đây là thời điểm DN tập trung chăm lo sức khỏe tinh thần cho NLĐ để họ yên tâm. Bởi đây là thời điểm đơn hàng Tết Nguyên đán dồn về nên bắt buộc phải hoạt động trở lại.

giu chan1.jpg -0
Doanh nghiệp mở lại hoạt động sản xuất nhưng lo ngại thiếu lao động.

Ông Lý Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long cho biết, công ty có 800 người tham gia “3 tại chỗ” nhưng có 750 người trụ lại được, trong đó có 80% đã tiêm vaccine mũi 1. Trong 8 tuần đầu thực hiện “3 tại chỗ” không vấn đề gì nhưng đến tuần thứ 9, nhà máy có ca nhiễm đầu tiên. Ngay lập tức, công ty tổ chức cách ly và truy tìm F1, F2 nhưng vẫn không ngăn chặn được sự lây lan, chỉ trong 1 tháng phát hiện có đến 200 F0 và hơn 200 F1, F2. Trong số đó, 90% ca F0, F1 đã được tiêm vaccine mũi 1 (10% chưa tiêm). Do tỷ lệ tiêm vaccine nhiều, cùng với việc công ty cố gắng tổ chức tốt công tác chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần để NLĐ không hoang mang. Đến nay, tất cả các ca dương tính đều đã âm tính và khỏe mạnh.

Ông Minh cho rằng, đây được xem là nguồn lao động tốt của công ty khi họ quay trở lại làm việc. Mặc dù trong những tháng cao điểm dịch COVID-19, công ty không buôn bán được nhiều nhưng vẫn tổ chức sản xuất, chủ yếu là “giữ chân” NLĐ để sản xuất hàng Tết Nguyên đán. Để NLĐ gắn bó với công ty, đơn vị đã chăm chút sức khỏe của họ bằng cách phục vụ các bữa ăn theo chế độ khoa học như ăn nhiều rau, cá, giảm bớt thịt. Tuy nhiên, để hướng tới “sống chung với dịch” bền vững thì vấn đề tiêm vaccine cho NLĐ cũng đang rất được DN đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng Giám đốc Công ty nhựa Bình Minh tự tin cho biết, bạn hàng cũng bắt đầu quay trở lại Công ty nhựa Bình Minh từ giữa tháng 9-2021, đó là tín hiệu đáng mừng. Về tốc độ phủ vaccine cho công nhân lao động thì đơn vị cũng đã thực hiện khá tốt. Đến nay, nhà máy của công ty ở TP Hồ Chí Minh tỷ lệ NLĐ tiêm vaccine mũi 2 chiếm đến 89%, các nhà máy ở Long An, Bình Dương chiếm hơn 64% và nếu các nhà máy này phủ được thêm vài chục phần trăm nữa thì DN yên tâm đủ nguồn lực. Hiện, nhựa Bình Minh có 86,19% là lực lượng lao động đã sẵn sàng…

Ngoài đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, Công ty nhựa Bình Minh hiện nay có chế độ khám định kỳ sức khỏe mỗi năm 2 lần. Nhóm y tế có bác sĩ, y tá… gồm 5 người đến chăm sóc sức khỏe cho NLĐ ở từng nhà máy. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng rất quan tâm đến cuộc sống của NLĐ.

Có thể thấy, trong thời gian qua rất đông NLĐ ở các địa phương quyết định rời bỏ các công ty, nhà máy ở các khu vực trọng điểm phía Nam để trở về địa phương sinh sống, không hẹn ngày quay trở lại làm việc. Lý do lớn nhất khiến họ hoang mang, sợ hãi là vì không biết khi nào dịch kết thúc, họ không nhìn thấy được tương lai, trong khi đó rất nhiều tin giả, tiêu cực liên quan đến tình hình dịch COVID-19. Mới đây, tại buổi nói chuyện với DN về chủ đề “Vấn nạn tâm lý do COVID-19, DN cần quan tâm khi sản xuất lại”, Ths. BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược khẳng định: “NLĐ bỏ về quê nhiều là do tư tưởng không thông, do họ quá sợ hãi. Chính vì vậy, vấn đề là làm sao phải giải tỏa được tâm lý sợ hãi đó cho NLĐ thì họ mới an tâm trở lại làm việc”.

Các doanh nghiệp ở Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động

Ngày 6/10, đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, với sự khởi động của thị trường tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", dự báo các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 50.000 người lao động.

Từ cuối tháng 9/2021, trước thông tin công tác phòng, chống dịch của Bình Dương cơ bản đã được kiểm soát, tỉnh sẽ từng bước nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế-xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đăng ký tuyển dụng trở lại. Một số doanh nghiệp tiên phong trong tuyển dụng như: Công ty TNHH Cường Thịnh cần 100 lao động phổ thông, Công ty TNHH thương mại cơ khí Nguyễn Mẫn cần 150 lao động phổ thông, Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam cần tuyển 3.000 công nhân cho 3 nhà máy ở Khu công nghiệp Vsip2, Khu công nghiệp Ðại Ðăng và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3...

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tuyển hàng chục vị trí văn phòng với số lượng từ 2 - 5 người như kế toán, bảo trì, nhân sự, vận hành máy, kho, nhân viên y tế… Với khởi động của thị trường tuyển dụng như hiện nay, dự báo các doanh nghiệp cần khoảng 50.000 lao động.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, lượng lao động đến Trung tâm sau ngày 1/10 khoảng 200 - 300 người/ngày, ngoài nhu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, một số lao động còn mong muốn được kết nối việc làm để nhanh chóng có nguồn thu nhập ổn định, một số khác cũng chưa mặn mà với việc làm vì đang mang tâm lý chờ đợi.

Ngay sau khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái "bình thường mới", ngoài kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Nông, Ðắk Lắk và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Ðồng thời, Trung tâm cũng sẽ kết nối lại với tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều lao động tiềm năng và đã hỗ trợ nguồn cung cho Bình Dương gần 1.000 lao động trong nãm 2021.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ song song cùng với sàn giao dịch việc làm online, cải tiến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo các phòng gặp mặt trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tìm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực trong điều kiện dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trung tâm tiếp tục kết nối doanh nghiệp với người lao động bằng các hình thức như trước đây: trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, email, zalo, facebook, thông qua các sàn giao dịch việc làm online. Sắp tới, Trung tâm sẽ cải tiến giải pháp sàn online dựa trên nền tảng mạng xã hội zalo, tạo các phòng gặp mặt trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tìm việc. (Huyền Trang)

Thúy Hà
.
.
.