Giám đốc Bệnh viện 199, Bộ Công an làm Chủ tịch Chi hội Y học biển miền Trung nhiệm kỳ 2024-2029

Thứ Sáu, 17/05/2024, 19:02

Ngày 17/5, Bệnh viện 199 phối hợp với Hội Y học biển Việt Nam tổ chức “Đại hội Chi hội Y học biển miền Trung nhiệm kỳ 2024-2029 và Hội thảo khoa học về Y học dưới nước và oxy cao áp”.

Tham dự Đại hội, về phía Hội Y học biển Việt Nam: TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ Viện Y học biển; TTUT.PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học biển Việt Nam; BS.CKII Nguyễn Đình Thoan – Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Y học biển Việt Nam.

z5449550999169_8a3765ab7e00501ae53441775964fa53.jpg -0

Về phía Bệnh viện 199 có, TS.BS Quách Hữu Trung – Giám đốc, Phó Giám đốc Trần Quang Pháp, Trần Nam Chung, cùng đại diện là Giám đốc/Phó Giám đốc Sở Y tế, Bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh xá Công an các tỉnh/thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các chuyên gia, Bác sĩ y học biển, oxy cao áp, các cơ quan báo đài tham gia đưa tin.

Phát biểu khai mạc Đại hội, TS.BS Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199 cho biết, hiện nay, việc ứng dụng trị liệu oxy cao áp đang bắt đầu khởi sắc, mở ra một hướng nghiên cứu mới về điều trị đặc hiệu cho nhiều bệnh lý trên lâm sàng. Đại hội hôm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu mốc phát triển quan trọng của Chi hội Y học biển Miền Trung, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từng bước nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Đại hội diễn ra trong không khí khẩn trương, trách nhiệm, 100% Đại biểu nhất trí bầu TS.BS Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199, Bộ Công an làm Chủ tịch Chi hội. Đại hội cũng thống nhất với đề án nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2004 – 2009 gồm 27 đồng chí. Đồng thời thống nhất đổi tên Chi hội Y học biển miền Trung thành Chi hội Y học biển và Cao áp miền Trung. Văn phòng Chi hội sẽ đặt tại Bệnh viện 199.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Chi hội đó là: Nghiên cứu, học tập, cập nhật thông tin để nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần đào tạo những người làm nhiệm vụ phát triển chuyên ngành Y học biển, Y học cao áp khu vực Miền Trung cũng như trên cả nước ngày càng lớn mạnh; Hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các Chi hội, các Hội chuyên khoa ở Trung ương; Tư vấn, đào tạo, học tập, tham quan, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao trình độ cho hội viên; Đề xuất với Hội Y học biển Việt Nam về các chủ trương chính sách, chương trình phát triển chuyên ngành Y học biển tại khu vực miền Trung; Hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển công tác của Chi hội.

z5449551018533_ecb2f5f49c68b873825a3fecce34dc57.jpg -0

Sau Đại hội là chương trình thảo luận khoa học về Y học dưới nước và oxy cao áp diễn ra sôi nổi. Với chủ đề “Ứng dụng của y học cao áp trong lâm sàng”, GS.TS Nguyễn Trường Sơn làm rõ được sự cần thiết phải phát triển chuyên ngành ô xy cao áp, đó là: Khi lao động trong môi trường nước và áp suất cao nếu không tuân thủ đúng quy trình người lặn sẽ bị tai biến do thay đổi áp suất đột ngột (vỡ phổi, đau các xoang và tạng rỗng, tắc mạch do bóng không khí) hoặc bị bệnh giảm áp, bóng khí ni tơ trong các mô và mạch máu (tắc mạch do bóng khí). Nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng phương pháp, với thiết bị chuyên dụng là buồng cao áp sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.

Cũng theo Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, ở Việt Nam hiện nay các cơ sở y tế trong cả nước ở 28 tỉnh/thành, ngành triển khai Y học cao áp với 21 buồng đa và 67 buồng đơn nhưng mới tập trung chủ yếu ở các cơ sở Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh y học cổ truyền. Trong khi các Bệnh viện đa khoa còn khá mơ hồ về công nghệ này, nên bệnh nhân còn chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ này nên rất thiệt thòi. Vì vậy, đã đến lúc các Bệnh viện nên xây dựng khoa hoặc trung tâm oxy cao áp để mọi người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật và công nghệ điều trị cao này.

Bên cạnh đó, Hội trường cũng được lắng nghe các Báo cáo liên quan đến lĩnh vực oxy cao áp như: Quá trình phát triển trưởng thành của chuyên ngành y học dưới nước và oxy cao áp ở Việt Nam; Kết quả điều trị vết loét bàn chân do đái tháo đường bằng oxy cao áp tại Viện Y học biển; Kết quả điều trị nhồi máu não bằng oxy cao áp tại viện y học biển việt nam từ năm 2019 -2023…Tất cả các báo cáo đều nêu rõ được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng của công nghệ y học cao áp trong lâm sàng. Rằng, oxy cao áp là phương pháp có thể điều trị được ở tất cả các thời điểm của bệnh, mà không hạn chế về thời gian từ đó có tác dụng rất lớn trong phục hồi các tổn thương do nhồi máu não. Do đó, các Bệnh viện nên xây dựng, khẩn trương triển khai trung tâm oxy cao áp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Có thể thấy, Đại hội và Hội thảo hôm nay là dịp để các Đại biểu, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về kết quả triển khai xây dựng và phát triển chuyên ngành y học cao áp, ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng trong điều trị và phục hồi chức năng người bệnh, nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế và phát triển y tế biển, đảo Việt Nam. Và Chi hội Y học biển và Cao áp miền Trung sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện chủ trương này.

PV
.
.
.