Giải pháp để thúc đẩy kinh tế số

Thứ Sáu, 08/09/2023, 07:55

Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững” đã được tổ chức ngày 7/9.

Từ năm 2020, TP Hồ Chí Minh ban hành chương trình Chuyển đổi số và đặt ra mục tiêu đến năm 2030 "TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số". TP Hồ Chí Minh đặt ra chỉ tiêu kinh tế số đóng góp 25% (năm 2025), 40% (năm 2030) trong GRDP. Năm 2021, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.

Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), ngành dịch vụ có đóng góp đáng kể cho kinh tế số TP Hồ Chí Minh. Hiện có khoảng 20% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của Thành phố tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng, đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là một thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển kinh tế số thông qua việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số.

Giải pháp để thúc đẩy kinh tế số  -0
Chuyển đổi số trong lĩnh vực logicstics cũng được đưa ra tại hội thảo.

Về phương diện công nghệ, kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ DN dịch vụ trọng yếu tại TP Hồ Chí Minh có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều trên mức 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ DN ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Do vậy, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Hà Thân, Phó chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh cho rằng, DN gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số DN, nguyên nhân là do dữ liệu không liên thông, ứng dụng không tích hợp. Một thách thức khác là phải làm cho đội ngũ hiểu chuyển đổi số là gì, lợi ích và chi phí chuyển đổi số để cùng hợp lực chuyển đổi số. Vì vậy, thành phố cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung chuyển đổi số các lĩnh vực này, có lộ trình chuyển đổi số kinh tế, làm sao tăng trải nghiệm của người dân, DN đối với chính quyền số, kinh tế số.

Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Thành phố sẽ đẩy mạnh 7 nhóm giải pháp gồm: Truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, trong đó phát triển hạ tầng Internet tốc độ cao và mạng viễn thông; Chính quyền số, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của TP Hồ Chí Minh; Phát huy sứ mệnh của các DN công nghệ số; Truyền thông, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm công nghệ số; Triển khai đồng bộ kinh tế số với các chương trình của TP Hồ Chí Minh; Phát triển hệ thống dữ liệu: người dân, DN và quản lý, qua đó khai thác dữ liệu dùng chung TP và mục tiêu lớn hơn là chia sẻ dữ liệu này cho khối tư nhân, thúc đẩy kinh tế số.

T.Hà - H.Giang
.
.
.