Giải bài toán tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA
Tình trạng thiếu vốn đang là vấn đề phổ biến ở các doanh nghiệp (DN), trong đó, các DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như từ các tổ chức tín dụng khác, dẫn đến việc chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các DN vừa và nhỏ tận dụng các cơ hội từ các FTA còn hạn chế. Theo bà Lan Phương, một trong những nguyên nhân rất quan trọng và có thể đóng vai trò rất then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của DN. Bộ Công Thương cũng đánh giá những số liệu về tình hình tiếp cận ngân hàng và các tổ chức tín dụng của các DN trong thời gian vừa qua thì năm 2017, tỷ lệ các DN có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4%; trong năm 2018 và 2019, con số này là 45% và 43%. Đến năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện thì tỷ lệ này lại giảm tiếp đi, chỉ còn 42,9%. Tuy nhiên tỷ lệ DN có các khoản vay này vào năm 2021 là 35,4% thì đến năm 2022 chỉ còn 17,8%.
“Tất cả những con số này đều đã, đang chứng minh được rằng khả năng tiếp cận tín dụng của các DN Việt Nam vô cùng khó và đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ thì khó khăn đó còn nhân lên gấp bội”, bà Lan Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chia sẻ thêm, đối với những DN sản xuất để XK sang những khu vực FTA là một trong những đối tượng ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn, hiện nay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, ngân hàng mặc dù có lượng thanh khoản rất dồi dào nhưng vẫn phải cho vay theo nguyên tắc phải đảm bảo đúng quy định của mình, không thể hạ chuẩn để cho vay. Có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn mọi điều kiện. Nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì DN mới tiếp cận được.
Về phía DN ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian qua, đề xuất của DN đã được Chính phủ và lãnh đạo ngân hàng quan tâm để có thêm hỗ trợ từ gói 15.000 tỷ đồng. Đến nay, hơn 60% gói đó đã được giải ngân và cộng đồng DN rất trân trọng sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và ngành ngân hàng đối với DN.
“Chúng tôi rất mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để làm sao giảm lãi suất với Việt Nam đồng là dưới 7% và lãi suất với USD là dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể đối với ngành thuỷ sản để ít nhất trong năm tới 2024 sẽ có thêm nhiều dư địa để đẩy mạnh XK”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Đối với DN XK, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để tận dụng được nguồn vốn, trước hết, DN phải hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh theo xu hướng chung và ngành ngân hàng phải có chính sách hỗ trợ nguồn lực, tư vấn cho các DN tận dụng những nguồn vốn.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022 và một trong số những kiến nghị là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các DN tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Trong đó đặc biệt lưu ý hơn đến với những DN mà họ muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt vào ngày 17/10 và hiện nay Bộ Công Thương đã có một buổi làm việc ở cấp kỹ thuật với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.
Bộ Công Thương mong muốn trong việc xây dựng biện pháp tiếp cận tín dụng tốt hơn, ngoài việc xác định thay đổi những cải cách thủ tục hành chính, có thể tìm kiếm những giải pháp phù hợp với cam kết quốc tế. Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái FTA để phát triển ngành hàng tại các tỉnh, thành và phần giải pháp nguồn tín dụng là một cấu phần liền kề và rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của các hệ sinh thái ở các tỉnh.