EVN là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021

Thứ Năm, 09/12/2021, 21:46

Chiều ngày 9/12 tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2021”. Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021. Cùng với EVN, có 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn cùng được vinh danh trong sự kiện năm nay.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp EVN được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Để đoạt được giải thưởng quan trọng này, EVN cùng với 53 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ quan nhà nước, đã vượt qua hơn 300 hồ sơ dự thi chung khảo của 4 hạng mục: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số. Giải thưởng được trao cho những giải pháp chuyển đổi số của các đơn vị, tổ chức có thành tựu trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

EVN là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021 -0
Đại diện EVN nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021.

Để trở thành Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc 3 lần liên tiếp, EVN đã thực hiện công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin tại hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. EVN đã tự phát triển 16 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn và hàng chục các ứng dụng đặc thù khác. Các hệ thống phần mềm đã cơ bản đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lõi trong hầu hết các hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Các giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số giúp EVN trở thành doanh nghiệp số xuất sắc năm 2021 đã được Ban Tổ chức vinh danh lần này bao gồm: 

- Phần mềm Cổng thông tin điện tử (EVNPortal) hỗ trợ Chương trình cải cách hành chính EVN.

- Phần mềm Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử.

Liên tục trong nhiều năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Đây là hai phần mềm quan trọng trong giải pháp trở thành doanh nghiệp số của EVN. Với EVNPortal là  thành phần chính trong giải pháp tổng thể Văn phòng số (Văn phòng điện tử) của EVN. Hệ thống Cổng thông tin điện tử EVN được triển khai áp dụng tại EVN và các Đơn vị trong toàn Tập đoàn; tạo ra một kênh thông tin toàn diện cung cấp các thông tin của Tập đoàn tới toàn thể các cán bộ công nhân viên trong EVN; hỗ trợ công cụ tìm kiếm thông tin dữ liệu cho phép nhiều khả năng tìm kiếm khác nhau. Các chuẩn trao đổi thông tin thống nhất, liên thông giữa các hệ thống được dễ dàng. Tính tùy biến cao để thời gian xây dựng và triển khai các chức năng, ứng dụng trên Cổng thông tin nhanh trong tương lai. EVNPortal đã cung cấp môi trường đăng/tải tin tức truyền thông, các công cụ gửi nhận báo cáo/số liệu giữa các đơn vị/ban theo quy trình phê duyệt, cung cấp kho lưu trữ/chia sẽ tài nguyên tài liệu, cổng cung cấp các dữ liệu tổng hợp được tích hợp từ các ứng dụng nghiệp vụ khác, cung cấp khả năng tìm kiếm nội dung. Kết quả thực hiện chế độ báo cáo qua EVNPortal, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cập nhật, tổng hợp, sử dụng số liệu báo cáo được nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Bên cạnh việc phát triển nền tảng Văn phòng số, EVN đã chú trọng, triển khai mạnh mẽ ứng dụng của công nghệ thông tin để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong công tác công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng. Năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Giải pháp phần mềm Cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử được thực hiện với mục tiêu tiết kiệm các chi phí và thời gian giao dịch, thống nhất số lượng, hình thức và nội dung của các văn bản trong quy trình cung cấp dịch vụ điện, đảm bảo hiệu năng, độ an toàn an ninh và bảo mật cung cấp các chức năng trên nền tảng công nghệ ứng dụng di động, hoạt động trên môi trường Internet để cho phép vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm mọi lúc, mọi nơi; cho phép tích hợp linh hoạt và không phụ thuộc vào nền tảng công nghệ đối với các hệ thống thông tin và các kho dữ liệu dùng chung của EVN và các Tổng Công ty Điện lực (TCTĐL). 

Cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử được áp dụng bao gồm EVN, các Tổng Công ty/Công ty Điện lực/các Trung tâm CSKH trên toàn quốc với hơn 28 triệu khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam. Các khách hàng sử dụng điện trong phạm vi quản lý của đơn vị điện lực, có thể thực hiện tra cứu, tải hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ dịch vụ điện theo hình thức điện tử đa kênh như qua trang web CSKH, ứng dụng CSKH Mobile App, Zalo Page. Việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị điện lực cũng đem lại sự cải thiện rất lớn đối với quy trình quản lý cung cấp dịch vụ điện theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả cao trong công tác kinh doanh điện, với những lợi điểm như giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh; giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện. 

Đến nay, tất cả các dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử, đồng thời EVN cũng là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các Bộ/ngành/địa phương trên Cổng. Đến cuối năm 2021, đã có tới 99,66% số hợp đồng mua bán điện ký mới được khách hàng sử dụng hình thức ký điện tử này. Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.

Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên. Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVN trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả.

Nhật Hạ
.
.
.