EVN cam kết không tăng giá điện

Thứ Bảy, 09/04/2022, 06:56

Tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/4, ông Nguyễn Tài Anh- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù chi phí cho sản xuất điện đã tăng khá mạnh nhưng trong năm nay, EVN cam kết không tăng giá điện.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã đánh giá thực trạng đầu tư vào ngành điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung - cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, qua đó tìm lối ra cho cơ chế giá điện, thúc đẩy giải ngân dòng vốn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương:  "Sự chuyển dịch nhu cầu năng lượng trong thời gian tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện Cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26. Để đạt được mục tiêu này, đầu tư vào ngành điện sẽ có sự thay đổi lớn, bao gồm cả đầu tư mới và đầu tư công nghệ xử lý khí thải cho các hoạt động phát thải nhiều khí nhà kính", Thứ trưởng Trần Quốc Phương dự báo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm. Trong đó phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm.

EVN cam kết không tăng giá điện -0
Điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo.

Về định hướng phát triển nguồn điện, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, mục tiêu là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Đồng thời tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng. Từng bước loại bỏ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn điện tháng 4/2022 cho đến cuối mùa khô cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đảm bảo cấp điện mùa khô của khu vực miền Bắc tương đối khó, khả năng khó đáp ứng khoảng 2.000 - 3.000 MW vào cuối mùa khô. Nguồn cung trong các năm tới tăng cỡ khoảng 2.500 - 4.000 MW, dẫn tới việc thiếu hụt 1.000 - 1.500 MW, đặc biệt ở miền Bắc. Do vậy, rất cần thiết để giải bài toán để đáp ứng nhu cầu điện các năm sau.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, tình hình thế giới biến động nhanh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, từ 6-8 USD/triệu BTU thì nay khoảng 20 USD/triệu BTU. Bên cạnh đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao. Tất cả các yếu tố đó ngành điện nói riêng và nhiều ngành khác đều đang phải chịu áp lực, ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh.

"Nhưng sau khi cân đối thì EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện. Chúng ta sẽ cân đối làm sao, chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là sau quá trình phục hồi do đại dịch COVID-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có thể cân đối", ông Nguyễn Tài Anh nói.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tài Anh cũng cho rằng, dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao như vậy, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào với bán điện là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức bán điện hợp lý. Ở các năm sau, EVN sẽ tiếp tục cân đối các khoản này, thậm chí có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0, nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được. Thì những năm tới, Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích.

Về cung ứng điện, ông Nguyễn Tài Anh cho biết thêm, từ năm 2020 đến nay, chúng ta hầu như không có dự phòng do tăng trưởng phụ tải hầu như không có. Do đó, mỗi quốc gia cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện cần hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện. Với 14 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 đã tăng hơn nhiều so với mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước.EVN chỉ là một phần, không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết quá trình làm Quy hoạch điện VIII đang tập trung tính toán nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra quy mô vốn đầu tư. Vấn đề này cần bàn thêm nhiều, ngay cả khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.Quan trọng là nhìn ra được nhà đầu tư dài hạn, có năng lực và cần loại bỏ những nhà đầu tư có tư tưởng lướt sóng.

Về mặt tổng thể, nhằm tạo điều kiện thu hút và huy động vốn đầu tư, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Quy hoạch điện VIII đã đưa ra giải pháp điều hành Quy hoạch phát triển điện lực, trong đó xây dựng và áp dụng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với các chủ đầu tư, các Bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương. Đặc biệt, có cơ chế để điều chỉnh tiến độ các dự án điện, thay thế chủ đầu tư khi để dự án chậm tiến độ.

Lưu Hiệp
.
.
.