Đưa ra các phương án phục hồi sản xuất sau đại dịch
Chưa bao giờ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn như bây giờ. Nhiều DN không đáp ứng được phương án "3 tại chỗ" chấp nhận ngưng hoạt động. Còn DN đang duy trì sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhưng để phục hồi sản xuất sau đại dịch là bài toán không dễ.
Sau gần 4 tuần thực hiện phương án "3 tại chỗ", ông Nguyễn Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Thái Hòa (Sóc Trăng) cho biết, các DN ngành tôm đều đang đuối sức vì chi phí tăng lên rất cao và rất khó để giữ chân người lao động được lâu.
Theo ông Khoa, chỉ tính riêng các khoản chi phí về ăn, ở, xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động… chi phí cũng đã tăng lên khá nhiều, trong khi công suất lao động giảm. Vì vậy, "3 tại chỗ" kết thúc càng sớm càng tốt, bởi nếu kéo dài DN sẽ không chịu nổi do chi phí quá lớn, còn người lao động thì gò bó, bức bách cũng khó có ai chấp nhận ở lại tiếp tục làm việc…
Cùng khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, cái khó khi thực hiện "3 tại chỗ" không chỉ là chi phí tăng lên khá nhiều mà người lao động còn không an tâm, nên năng suất lao động chỉ ở mức vừa phải.
Tại TP Cần Thơ hầu như số DN duy trì sản xuất không nhiều, khó khăn chồng chất khó khăn. TS Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: "Phương án "3 tại chỗ" nhằm giúp DN không đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi DN phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Ðây là điều không phải dễ dàng để thực hiện trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn mà DN đang phải đối mặt, nhất là vận chuyển hàng hóa đông lạnh xuất khẩu đang được DN phản ánh trong những ngày qua. Trong khi sản phẩm chế biến nông - thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ".
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, hiện công tác chống dịch được ưu tiên hàng đầu. Thực tế, số DN hoạt động ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động do Sở quản lý hiện chỉ còn 6/38 DN. Số DN dưới 100 lao động do các quận, huyện quản lý cũng còn rất ít DN duy trì hoạt động.
Còn DN trong khu công nghiệp đóng cửa gần 95% do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", hoặc có DN làm "3 tại chỗ" nhưng không duy trì được lâu, do phát sinh rất nhiều chi phí. DN ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố, nhưng nếu để DN hoạt động mà không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch cũng rất rủi ro.
Vấn đề khó nữa là vận chuyển nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu thời điểm giãn cách cũng rất nhiêu khê, thêm chi phí xét nghiệm cho tài xế chuyên chở và các chi phí khác, rủi ro cũng cao khi di chuyển. Cũng vì nguyên nhân này mà đa phần DN sử dụng nhiều lao động đều lựa chọn tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì với vài trăm công nhân.
Theo TS Huỳnh Văn Tùng, để thực hiện tốt mô hình "3 tại chỗ", thành phố chỉ nên cho phép DN triển khai ở những khu vực đã được kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 (vùng xanh). Ðồng thời tăng cường kiểm soát và hỗ trợ DN thực hiện tốt phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các rủi ro phát sinh. Nhanh chóng triển khai và tạo các điều kiện thuận lợi nhất để DN tận dụng được các chính sách hỗ trợ cho DN và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: "Tất cả các ngân hàng đều thực hiện chỉ đạo của Thống đốc về giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nên việc đi làm và khách hàng cũng khó đi lại, xác nhận các giấy tờ, thủ tục liên quan nên chi nhánh chưa thống kê đầy đủ số hỗ trợ cụ thể. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đang quyết liệt thực hiện theo đồng thuận".
Theo ông Hà, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN ngày 13-3-2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi vay với mức giảm từ 0,5-1,5%; thực hiện cắt giảm chi phí, lợi nhuận tập trung cho việc giảm lãi suất cho vay và cho vay mới hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến đáp ứng nhu cầu thanh toán, góp phần hỗ trợ DN.
Theo các DN, bên cạnh các giải pháp về chính sách, tín dụng thì DN đang rất cần sự quan tâm của Chính phủ, ngành chức năng, địa phương trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động. Có như vậy, DN mới an tâm sản xuất, tái khởi động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.