Doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng thích ứng xu thế mới

Thứ Sáu, 20/09/2024, 07:32

Là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, hơn lúc nào hết, Việt Nam phải quan tâm tới vấn đề xanh hóa chuỗi cung ứng và thương mại để tránh bị loại khỏi cuộc chơi do không đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của các thị trường nhập khẩu. Từ đó, doanh nghiệp (DN) có thể phát triển xuất khẩu (XK) bền vững và đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu Đón đầu xu thế sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu.

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, như: Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ; cũng như các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chính thức có hiệu lực từ 1/10/2023, CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: Xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Từ ngày 1/1/2026, CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành. Theo đó, sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi XK vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. CBAM đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt Nam, đồng thời, yêu cầu này buộc DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng.

Doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng thích ứng xu thế mới -0
CBAM sẽ mở ra cơ hội xây dựng thị trường mua, bán tín chỉ carbon và các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm cơ chế CBAM áp dụng với 6 nhóm mặt hàng, đến nay, đa số DN Việt Nam hiểu chưa đầy đủ, hay chưa chính xác về CBAM, dẫn đến việc phản ứng và chuẩn bị áp dụng chưa có hiệu quả. Trong đó, Cơ chế CBAM được dự báo sẽ tạo ra áp lực rất lớn về chi phí sản xuất, kinh doanh cho các DN trong chuỗi cung ứng hàng hóa XK sang EU.

Theo ước tính, giá giấy phép carbon chiếm khoảng 5 - 10% tổng chi phí sản xuất thép và tỷ lệ này còn cao hơn đối với sản xuất xi măng. Song, “nhận thức về CBAM của đại bộ phận DN và nhà sản xuất tại Việt Nam còn hạn chế. Theo khảo sát đầu năm 2023, trên 60% DN nghe nói đến CBAM nhưng phần lớn không biết hoặc chỉ biết sơ bộ về cơ chế này. Khoảng 1/3 DN không cho rằng CBAM ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và chỉ có 4% DN đã có kế hoạch ứng phó”, bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM thông tin.

Đối với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc tiếp cận CBAM của DN thép còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh có nhiều luồng thông tin hiện nay, việc xác định cơ quan đầu mối này sẽ giúp các DN tiếp cận được thông tin chính thống, qua đó hiểu sâu sắc hơn về những việc cần làm từ yêu cầu của EU để ứng phó hiệu quả hơn với Cơ chế CBAM.

Với ngành xi măng, PGS-TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, ngành này đóng góp tới 80% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, sản xuất clinke - một thành phần chính trong xi măng – là nguồn phát thải chính, chiếm hơn 90% tổng lượng CO2 phát thải.

“Có hơn 60 nhà máy xi măng trên toàn quốc có sản xuất clinker đều nằm trong danh sách các DN phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định. Hiện đã có hơn 10 nhà máy xi măng bắt đầu sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải đến khoảng 35 - 40% thay thế cho than. Giảm chi phí nhiên liệu thì có thể giảm được phát thải, cùng với đó là sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, giảm chi phí điện, thu giữ và chôn lấp CO2 trong quá trình sản xuất clinker, xi măng… là những giải pháp được ngành xi măng đang thực hiện dựa trên quy mô và điều kiện đặc thù từng DN”, ông Long nói.

Đề xuất xây dựng, thành lập cổng thông tin về CBAM Nhiều quốc gia đã thiết lập thị trường carbon, từng bước hình thành hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế liên quan đến carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.

Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu 400 tỷ USD/năm, không thể đứng ngoài xu hướng này. Nếu không cắt giảm phát thải trong sản xuất, hàng hóa sẽ bị đánh thuế carbon, mất khả năng cạnh tranh.

Để tăng cường hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tham gia thị trường carbon, PGS.TS Lương Đức Long cho rằng, DN cần giảm thiểu phát thải phải đi từ công nghệ, giảm tiêu hao nguyên liệu. Bên cạnh đó, phải hoàn thành hệ thống công cụ và quy định của nhà nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn DN thực hiện. Đối với những nhà máy có đầu tư để đồng xử lý các chất thải hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế thì Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ.

Ngành thép thuộc một trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của CBAM. Để thích ứng với CBAM, ông Đinh Quốc Thái cho rằng, các DN ngành thép đã chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế CBAM với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn để tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về CBAM. Ngoài ra, phối hợp và khuyến khích DN tổ chức đào tạo cho cán bộ quản lý chủ chốt liên quan đến XK về CBAM. Đặc biệt, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, áp dụng giải pháp hoạt động, vận hành sản xuất theo hướng xanh.

Đồng thời, ông Đinh Quốc Thái bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng tham mưu, trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững. Cùng đó, DN cần có những sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, công nghệ kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn từ các quỹ tín dụng xanh. Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, tạo chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép xanh.

Nhất trí với quan điểm phải có một đầu mối chính thức hướng dẫn CBAM, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, số lượng mặt hàng bị điều chỉnh bởi CBAM sẽ không dừng lại ở con số 6. Trong tương lai, rất có thể những ngành hàng đang XK có giá trị tốt như nông sản, dệt may, da giày... sẽ phải áp dụng. Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, hiệu quả trong việc ứng phó, ông Khanh đề xuất xây dựng, thành lập cổng thông tin về CBAM.

Đồng thời, xây dựng các bộ tài liệu cẩm nang hướng dẫn chính thống. Các Bộ, ngành liên quan CBAM cũng cần phối hợp chặt chẽ để tìm ra những phương án phù hợp, giúp DN Việt Nam tận dụng, ứng phó hiệu quả thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ để DN phát thải carbon ít hơn, hoặc tạo ra các nguồn tài chính xanh để DN chuyển đổi mô hình sản xuất. Ở đó, tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, DN và cá nhân để đầu tư cho những dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Nói một cách đơn giản, tài chính xanh là “tiền cho tương lai xanh”.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các DN và các tổ chức tư vấn, hỗ trợ sẽ thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam. Với những nỗ lực hiện tại và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường carbon hứa hẹn trở thành một công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Lưu Hiệp
.
.
.