Doanh nghiệp thực phẩm cần nắm bắt xu hướng và công nghệ mới

Thứ Hai, 29/05/2023, 06:27

Theo Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 01% tổng số DN cả nước), nhưng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm.

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (XK).

Doanh nghiệp thực phẩm cần nắm bắt xu hướng và công nghệ mới -0

Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh. Đặc biệt, sau khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành sản xuất chế biến thực phẩm cũng mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn. Tiến sĩ Lê Minh Hùng - Giám đốc Phân viện Cơ Điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Giảng viên bán cơ hữu Khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ: Giá trị XK rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD. Trong đó, XK rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD. Tỷ trọng XK rau quả chế biến trong tổng kim ngạch XK rau quả từ 26% trong năm 2021 đã tăng lên đạt 30,4% năm 2022. Qua đó cho thấy tiềm năng rất lớn đối với ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam, đồng thời có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư FDI.

Chính vì ngành thực phẩm chế biến còn nhiều dư địa để phát triển nên các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo Hiệp hội DN châu Âu, thị trường M&A ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm (sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm) diễn ra, và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng XK Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty CP Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% CP của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia… Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa khi hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi.

Hiện, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA, điều này mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho DN ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội cũng như tăng khả năng cạnh tranh, đại diện ITPC cũng lưu ý DN: cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân – DN sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định.

T.Hà
.
.
.