Doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản

Thứ Năm, 20/04/2023, 06:36

Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng, thị trường xuất khẩu (XK) đầy tiềm năng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là một trong những lý do chính đã góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch XK của cả nước. Tuy nhiên, tỷ trọng XK hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khá khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3%. Điều đó cho thấy, dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn.

Vì vậy, để hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA Việt Nam đã ký kết, giúp DN đẩy mạnh XK vào thị trường này, ngày 19/4 Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm  Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”.

xuat khau.jpg -0
Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, năm 2022 mặc dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn do biến động nhiều mặt, tuy nhiên XK vẫn đạt hiệu quả tích cực. Riêng TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa của DN tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 47,1 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Hiện nay, Việt Nam đã có FTA với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP), nhờ đó đã xóa bỏ được những rào cản về mặt thương mại, thuế quan đối với hàng hóa XK. Năm 2022, kim ngạch XNK của Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 86 tỷ USD và Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 43 tỷ USD...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC khẳng định, hiện nay các yêu cầu về thị trường của Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng được nâng cao, DN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức, nhất là những hạn chế bất cập trong nội tại các DN. Thời gian tới, các DN cần nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua việc cập nhật thông tin, máy móc, thiết bị công nghệ tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.

Mặc dù có những lợi thế để DN thúc đẩy XK vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cũng cho rằng, đây là 2 thị trường rất phát triển, thu nhập đầu người cao, nên yêu cầu cuả họ đối với hàng NK rất cao và ngày càng siết chặt hơn. DN cũng lưu ý một số tiêu chuẩn khi XK vào thị trường Nhật Bản. Còn thị trường Hàn Quốc, trong thời gian qua có ban hành một hệ thống danh mục thuốc BVTV mới. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho DN Việt Nam do DN thiếu thông tin và nhiều loại thuốc BVTV hiện nay DN trong nước đang dùng thì không nằm trong danh mục được phép cuả Hàn Quốc.

Ông Đỗ Quốc Hưng cũng chỉ ra những khó khăn của DN khi XK sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua. Cụ thể, DN XK còn thiếu thông tin về thị trường; khả năng khai thác các kênh phân phối lớn (như siêu thị, đại siêu thị) của Hàn Quốc, Nhật Bản chưa được; khả năng tận dụng xuất xứ hàng hóa của DN còn hạn chế; đặc biệt, về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa NK cuả DN vẫn còn đáng lo ngại. Đây là vấn đề bức thiết, bởi Hàn Quốc và Nhật Bản yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng. Nhìn lại 5 năm qua, số vụ vi phạm do thành phần gây hại vượt mức cho phép bị Nhật trả về gần như không giảm mà có chiều hướng tăng. (Năm 2018 bị trả về 54 vụ, năm 2019 có 62 vụ, 2020 là 55 vụ, 2021 là 82 vụ và năm 2022 là 90 vụ). Còn thị trường Hàn Quốc số vụ vi phạm bị trả về có cải thiện hơn: Năm 2018 có 151 vụ, 2019 có 117 vụ, 2020 có 51 vụ, 2021 có 53 vụ, 2022 là 59 vụ.

Thúy Hà
.
.
.