Doanh nghiệp logistics lo lắng rủi ro về an ninh mạng

Thứ Năm, 21/12/2023, 16:02

Tại “Diễn đàn Logistics với khu vực Châu Âu - Châu Mỹ năm 2023” do Bộ Công thương tổ chức ngày 21/12, các diễn giả cho rằng, cần phát triển dịch vụ logistics, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hoá, mở rộng xuất khẩu (XK).

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, sức ép đối với ngành logistics trong việc tối ưu hóa để cạnh tranh, giành được đơn hàng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới cuả quốc tế về môi trường cũng đặt các dịch vụ logistics trước yêu cầu mới, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.

DN logistics lo lắng rủi ro về an ninh mạng  -0
Nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics với khu vực Châu Âu - Châu Mỹ năm 2023.

Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ là thị trường rất quan trọng cuả Việt Nam. Đến cuối tháng 11/2023, Việt Nam XK sang Hoa Kỳ 87,9 tỷ USD, giảm hơn 13% so cùng kỳ. Hàng hóa cuả Việt Nam XK sang Hoa Kỳ chủ yếu dệt may, da giày, các sản phẩm điện tử, máy móc, thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ… Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng 2023 hàng hóa từ Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam đạt 12,6 tỷ USD, giảm 6,5%, các sản phẩm chính chủ yếu là nông nghiệp như: Bông, đậu nành, lúa mì, nguyên vật liệu cho dệt may, da giày…

“Trong tương lai chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác tích cực giữa các cảng biển Việt Nam và các cảng biển Hoa Kỳ, tạo ra cơ hội mới và phát triển bền vững cho thương mại hai bên”, ông Thắng nói.

DN logistics lo lắng rủi ro về an ninh mạng  -0
Ngành logistics đang phải tối ưu hóa để cạnh tranh.

Diễn đàn tập trung vào các nội dung: Hiện đại hóa hạ tầng cảng biển cuả Việt Nam và tối ưu hóa logistics; Ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, kết nối với các thị trường mới và mở rộng XK; Tận dụng vận tải đa phương thức nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy XK hàng hóa trong bối cảnh mới…

Theo Giáo sư Daniel Wong, Đại học Bang Portland, Hoa Kỳ, các DN cần phải đa dạng hóa các mô hình quản trị rủi ro. Trong đó, rủi ro đầu tiên mà cũng là nỗi lo lắng của tất cả các DN Việt Nam là an ninh mạng. Làm sao phải thực hiện được hoạt động đổi mới và liên thông công nghệ ra toàn cầu mà vẫn an toàn, không bị tấn công, bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình. Rủi ro về bị tụt hậu và đào thải khi các DN cùng chung chuỗi cung ứng với DN, nhưng họ đều đã liên thông với nhau, trong khi mình không kết nối được vào chuỗi cung ứng này thì mình sẽ bị đào thải… Để không bị những rủi ro, DN cần phải có giải pháp chiến lược để kết nối với hệ thống chung, có thể là đối tác lớn nhất hoặc cánh chim đầu đàn của chuỗi cung ứng. 

Chia sẻ về tổng quan kết nối logistics giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, ông Chandler So - Giám đốc điều hành Geodis Việt Nam cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở rộng, với sự kết nối của các nước trong khu vực. Để tham gia vào chuỗi cung ứng này, đỏi hỏi các DN phải có kế hoạch, chiến lược mang tính hiệu quả hơn, trong đó cập nhật những quy định mới về thuế, hải quan, quy định liên quan đến XNK của từng nước để có sự chuẩn bị đảm bảo tính tuân thủ; các DN cần vận hành chuỗi logistics của mình một cách nhất quán để hướng đến mục tiêu chung của toàn cầu.

Thúy Hà
.
.
.