Doanh nghiệp còn nhiều "phàn nàn" về thủ tục hành chính

Chủ Nhật, 03/04/2022, 08:26

Mới đây, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021- một sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm, vừa được công bố.

Báo cáo phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành trong năm, đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020.

Doanh nghiệp còn nhiều
Doanh nghiệp cho rằng vẫn còn tính hình thức trong việc cắt giảm thủ tục hành chính.

Trong bối cảnh đầy thách thức như thế, chất lượng của các chính sách cũng như quá trình thực thi pháp luật sẽ có tác động cộng hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, có một nghịch lý là các cơ quan nhà nước đang lập phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả”, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Tuấn cho biết, trong năm 2021, cơ quan nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ôtô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ôtô vận tải nội bộ nhất định.

Theo khảo sát của VCCI thì hiện tại chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Chi phí này chưa phản ánh đầy đủ thực tế xã hội phải bỏ ra (chưa tính các chi phí về đường truyền, nhân sự xử lý thông tin; các chi phí cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện quản lý…). Đấy là chưa kể, đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.

Một ví dụ khác, đó là Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá ban hành nửa cuối năm 2021, cũng một số có quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thông tư số 60/2021/TT-BTC yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối cơ sở dữ liệu về thẩm định giá của mình với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Theo phản ánh, yêu cầu doanh nghiệp phải tự xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu sẽ gây tốn kém về chi phí và khó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Trần Hoàng Yến, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến thủy sản kêu khó khi gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt-pho (P), ni-tơ (N). “Với những bất cập và hàng loạt quy chuẩn áp đặt quá cao mà doanh nghiệp ngành thủy sản khó đạt được đã ảnh hưởng không chỉ hoạt động sản xuất nội địa mà còn là vấn đề lớn trong xuất khẩu của toàn ngành”, bà Yến nói và cho rằng, vướng mắc trong việc đưa danh mục hầu hết các sản phẩm thuỷ sản làm thực phẩm cho người (đông lạnh, đồ khô…) vào danh mục kiểm tra nhập khẩu có tên “kiểm dịch” là chưa phù hợp.

Mang tiếng nói đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, với những khó khăn đặc thù trong năm 2021, câu chuyện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trong khi “dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp được thực hiện khá tốt thì “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn đang được thúc đẩy nhưng còn nhiều thách thức về tính hiệu quả.

Theo Chủ tịch VCCI, trong mấy năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng hoạt động cải cách thể chế. Nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành, song doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Bởi, trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”, rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý. Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, hiện tại đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực – nghịch lý đang tồn tại trong hoạt động xây dựng chính sách. Ngoài ra, theo ông Công, qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chất lượng thông tư, công văn còn có rất nhiều vấn đề đáng bàn...

Hà An

.
.