Doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt thuế do đơn vị bán hàng bỏ trốn
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về những vướng mắc cần tháo gỡ trong chính sách thuế. Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), hiện nay việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại (hay trả lại hàng mua) của DN tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Lý do, cùng căn cứ theo một quy định chung về hóa đơn, chứng từ, nhưng cục thuế các địa phương lại hướng dẫn DN thực hiện khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, để giải quyết bất cập trong việc xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại, đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan, cho phép bên mua – bên bán được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN, với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.
Ngoài ra, các DN cũng phản ánh đang gặp khó khăn trong việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động. Trong thời gian qua, do hoạt động khó khăn nên nhiều DN buộc phải đóng cửa, bị đóng mã số thuế, chủ DN bỏ trốn… dẫn đến DN nhận hóa đơn của các DN này rơi vào tình trạng đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế xử phạt vì hành vi khai sai. Thực tế, các DN không thể biết trước việc DN bán hàng đã bị đóng mã số thuế, ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn. Với mỗi tờ hóa đơn GTGT không được hoàn thuế, thì đồng nghĩa DN mất 10% thuế GTGT và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập DN, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt vi phạm.
Theo quy định hiện hành, khi DN xuất hóa đơn thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và DN phải được hoàn thuế GTGT. VASEP kiến nghị, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những DN bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các DN kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ thì không nên yêu cầu DN mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế GTGT.
Ngoài ra, các DN ngành thủy sản cũng cho rằng, hiện nay nhiều DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho DN, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn như: Đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về công tác thanh kiểm tra đối với DN.