Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi. Chính vì vậy, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi.
Đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực. Hơn nữa, nếu hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Do vậy, nhằm tránh nguy cơ mất thị phần tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn trước việc điều tra PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng, các chuyên gia thương mại lưu ý DN cần nâng cao nhận thức về lĩnh vực này để giảm thiểu tổn thất. Để thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu bền vững, tránh bị áp thuế PVTM, DN phải có những thích ứng phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, nhằm chủ động đối phó với các vụ kiện PVTM, DN phải chịu khó tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong hiệp định, kể cả quy định để có thể chuẩn bị, khai thác lợi ích mà các FTA đem lại.
Đáng lưu ý, DN cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với bạn hàng nước sở tại để cập nhật thông tin…
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức, hỗ trợ cộng đồng DN sử dụng công cụ và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của DN.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp PVTM, ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này. Đồng thời, theo dõi giá, thị trường các mặt hàng đang áp dụng biện pháp PVTM để có kiến nghị kịp thời.