Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực làm chủ “sân nhà”
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để giữ thị phần, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước đã nỗ lực để thể hiện rõ thế chủ động trên thị trường “sân nhà”.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có khoảng 55% DN Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% DN quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.
Không chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, mà thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian gần đây cũng thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới. Lý do, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), theo đó hàng hóa của Việt Nam xuất sang các nước mà Việt Nam đã có FTA và ngược lại hàng hóa từ các nước này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi.
Điều này vừa là cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu, nhưng cũng đã tạo ra không ít thách thức, áp lực, trong việc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư thông thoáng, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á, nên nhu cầu chi tiêu, mua sắm cũng sẽ tăng… là những điểm hấp dẫn không chỉ đối với nhà đầu tư mới, mà các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm qua cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần.
Điển hình, Tập đoàn Central Retail, hiện đang là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam với hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trải dài khắp 40 tỉnh thành trên cả nước.
Để chạy đua với DN bán lẻ nội, trong kế hoạch 5 năm tới, Central Retail sẽ đầu tư khoảng 35 tỷ bath (1,1 tỷ USD) với mục tiêu mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh, thành trên toàn quốc để cung cấp những dịch vụ toàn diện hơn; Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam (DN bán lẻ Hàn Quốc) hiện đã có hệ thống 14 siêu thị Lotte Mart ở nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước.
Tiếp tục mở rộng thị phần, Lotte Mart đã tăng cường đẩy mạnh chiến lược bán hàng đa kênh, đồng thời tích cực tổ chức, tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng để “ghi điểm” với người tiêu dùng.
Tương tự, để mở rộng hệ thống siêu thị Aeon (đến từ Nhật Bản), tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi” do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 4 vừa qua, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, công ty dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương, với mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư.
Mặc dù tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn khá lớn, nhưng năm 2021 do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nên ngành bán lẻ giảm đến 3,8% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trong đó, TP Hồ Chí Minh giảm đến 21,9%. Do bị ảnh hưởng nặng, nên sang năm 2022 khả năng phục hồi của DN ngành bán lẻ vẫn chưa cao. Tuy nhiên, để giữ thị trường “sân nhà”, các DN bán lẻ nội địa đã nỗ lực để vượt qua những rào cản.
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nhiều DN Việt vẫn đang nắm giữ thị phần lớn như Masan, Vingroup, MWG… Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, trong phương thức mua sắm, đã đặt ra cho các nhà bán lẻ làm sao tổ chức lại để giữ được thị phần, giữ được lợi thế đang có.
Nếu không thay đổi vị thế này sẽ trao cho các đơn vị khác. Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, nhà bán lẻ cần làm ngay một số vấn đề: Thứ nhất, xem vai trò của người lao động là yếu tố quan trọng, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ hai, nhà bán lẻ không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phương thức thương mại điện tử sẽ mất lợi thế rất lớn.
Bên cạnh những kênh truyền thống, đơn vị bán lẻ phải gia tăng hoạt động này với một hệ thống data dữ liệu, một hệ thống khách hàng đã xây dựng xuyên suốt trong thời gian qua. Thứ ba, phải đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động, tăng sức cạnh tranh.