Đoàn công tác của Chính phủ Đức làm việc với EVNNPC
Ngày 27/10, bà Bärbel Kofler - Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế, CHLB Đức làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), khảo sát thực địa trạm biến áp (TBA) 110kV Yên Thắng – Nam Định, thuộc dự án “Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ” – Giai đoạn 2– vay vốn Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức KfW.
Tại buổi làm việc, ông Trần Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, trong nhiều năm qua EVNNPC đã nhận được sự hỗ trợ tài chính bằng các khoản vốn vay ưu đãi từ Chính phủ CHLB Đức thông qua ngân hàng KfW. Với việc được tiếp cận nguồn vốn vay của Chính phủ Đức, hệ thống lưới điện của EVNNPC đã đạt được mục tiêu tăng cường khả năng cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn lưới điện phân phối, đồng thời tạo tiền đề cho quá trình phát triển lưới điện thông minh theo lộ trình hiện đại hóa hệ thống điện Việt Nam.
Trạm biến áp 110kV Yên Thắng – Nam Định là một trong những dự án được xây dựng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Ngân hàng tái thiết Đức KfW, là một trong những kết quả hiện hữu cho sự hợp tác giữa hai nước và ngành Điện Việt Nam là đơn vị tiếp nhận, thụ hưởng.
Dự án có quy mô bao gồm xây dựng mới 3,076 km đường dây 110kV mạch kép dây dẫn ACSR 300/39 và TBA 110kV Yên Thắng với 2 máy biến áp (MBA) công suất 40MVA, đã hoàn thành lắp trước 1 MBA T1 -110/35/22kV-40MVA, đưa vào vận hành ngày 4/6/2023, cung cấp 128 triệu kWh cho 44.472 khách hàng sử dụng điện. Dự án mang lại hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật vận hành lưới điện; hiệu quả chính trị, xã hội, môi trường như: nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng; đảm bảo cấp điện ổn định cho các phụ tải sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là cấp điện ổn định cho các trạm bơm lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất tại các Cụm công nghiệp lân cận...
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và cam kết Net Zero của Việt Nam, tác động xã hội của các khoản đầu tư chi phí cao vào cung cấp điện, đối phó với thách thức để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao...
Trước xu thế vận động chung của thế giới, trước sự khan hiếm có thể nhìn thấy của nguồn cung điện miền Bắc, EVNNPC luôn nhận thức được vai trò của mình trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đó là nâng cao hạ tầng lưới điện để đáp ứng được sự đa dạng của nguồn điện đặc biệt là sự tăng trưởng của nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời xác định đầu tư phát triển lưới điện phân phối là nòng cốt, chiến lược hàng đầu, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân các tỉnh miền Bắc.
Trong giai đoạn 2021-2025, EVNNPC đã đầu tư xây dựng lưới điện khoảng 90.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cấp điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến tiếp tục đầu tư xây dựng lưới điện giai đoạn 2026-2030 trên 100.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm cho EVNNPC lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Hồ sơ tín dụng độc lập của EVNNPC được đánh giá ở mức 'BB+', ngang với hồ sơ tín dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (BB+/Ổn định).
Vì vậy, EVNNPC mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Đức cũng như Ngân hàng KfW có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, công nghệ, kỹ thuật giúp Tổng công ty từng bước đạt được những mục tiêu, vai trò của mình, đạt được sự tăng trưởng bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của 27 tỉnh, thành khu vực miền Bắc trực thuộc địa bàn quản lý EVNNPC.
Năm 2011, Việt Nam và CHLB Đức đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Đức là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng cụ thể như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng chính sách, hợp tác trong các dự án như các dự án điện gió, năng lượng mặt trời.