Để di sản Hạ Long – Cát Bà không chỉ là danh hiệu, mà phải là thương hiệu

Chủ Nhật, 08/10/2023, 19:47

Như tin đã đưa, vào ngày 16/9 vừa qua, Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận cụm quần thể vịnh Hạ Long (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) là di sản thiên nhiên thế giới.

Đây là cơ hội lớn mở ra hướng khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch ở khu vực này, nhưng cũng là thách thức không nhỏ giữa bảo tồn và phát triển.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, với sự kiện trên, Hạ Long – Cát Bà trở thành cụm di sản thứ 23 và là cụm di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Theo đó, quần thể gồm 1.133 hòn đảo (775 thuộc vịnh Hạ Long và 358 thuộc quần đảo Cát Bà), với tổng diện tích vùng lõi là 65.650 ha, được bao quanh bởi vùng đệm có diện tích 34.140 ha.

img_5429.jpeg -0
Vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà, Hải Phòng).

Trước khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, cả Hạ Long và Cát Bà đều đã rất nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, giữ gìn những nét nguyên trạng đặc trưng do thiên nhiên tạo dựng mà khó nơi nào trên thế giới có được. Chính vì vậy quần thể này cũng là thế mạnh để khai thác du lịch, góp phần hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.

Có thể nói, để có được sự công nhân của UNESCO nêu trên, các địa phương cũng như bộ, ngành liên quan đã trải qua hành trình không mấy dễ dàng. Quá trình xây dựng hồ sơ gặp nhiều khó khăn, với những khuyến nghị của UNESCO và IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế). Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao của địa phương cũng như các bộ, ngành Trung ương, đến đầu năm 2021 hồ sơ di sản Hạ Long - Cát Bà đã được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị. Tiếp đó, trải qua các thủ tục ngặt nghèo với những đánh giá, thẩm định, xét duyệt và vận động khác, bao gồm cả những cam kết mạnh mẽ của  Chính phủ Việt Nam, di sản Hạ Long – Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 21 thành viên Ủy ban di sản thế giới.

Nhưng đó mới chỉ là thành công bước đầu đem lại danh hiệu. Vấn đề đặt ra là, việc khai thác di sản, song song với bảo tồn giá trị  di sản sẽ được thực hiện thế nào, bởi khi Hạ Long – Cát Bà đã không còn là di sản riêng của địa phương hay của quốc gia, mà nằm trong quỹ đạo điều chỉnh chung các di sản thế giới. Xét trên thực tế, điều này đối với Quảng Ninh có nhiều thuận lợi hơn, bởi trước thời điểm có cụm di sản chung thì vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới từ năm 1994, nên địa phương này đã có kinh nghiệm khai thác, quản lý, phát triển.

img_5430.jpeg -0
Một góc vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Trong khi đó, nằm chung trong quần thể tự nhiên theo cấu trúc địa lý, nhưng khác về địa giới hành chính, quần đảo Cát Bà được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho biết, địa phương cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi thực hiện các quy định, quy chế, thiết chế từ các danh hiệu được công nhận trước đó. Cụ thể, ngoài tư cách là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà còn được công nhận di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quốc gia, là thành viên Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới… nên chính quyền địa phương cũng rất tự tin và chủ động khi bắt tay vào việc xây dựng thiết chế mới. Đối với khai thác tiềm năng huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý du lịch, phát huy giá trị đặc hữu, đồng thời xác định tầm quan trọng của quy hoạch, quản lý quy hoạch, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trogn bảo tồn và phát triển.

Như vậy, cả Quảng Ninh và Hải Phòng đều đã có những bài học thực tiễn trong khai thác, phát huy giá trị di sản, hiển hiện rõ nhất trong phát triển du lịch thời gian qua. Nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận, dù đã có sự đầu tư rất lớn và bứt phá thần tốc về hạ tầng du lịch, nhưng quá trình khai thác vận hành di sản của cả 2 địa phương vẫn tồn tại những hạn chế, nhất là sự tận dụng chưa mang nhiều dấu ấn sáng tạo, cùng những rào cản trong xây dựng thiết chế văn hóa du lịch. Thậm chí, trong quy hoạch và quản lý quy hoạch, vẫn xuất hiện những yếu tố tiêu cực trước sự can thiệm của con người vào thiên nhiên, mà vụ việc xâm phạm quy hoạch khiến hàng loạt cán bộ ở Vườn quốc gia Cát Bà bị xử lý là một điển hình. Đây là điều tối kỵ khi Hạ Long – Cát Bà đã trở thành di sản thế giới.

img_5433.jpeg -0
Còn nan giải bài toán bảo tồn và phát triển đối với di sản Hạ Long – Cát Bà.

Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, các di sản thiên nhiên khi chưa được công nhận thì ít bị xâm hại, nhưng khi đã được vinh danh thì xảy ra không ít xâm hại. Điều này cũng dễ hiểu bởi việc vinh danh di sản sẽ tạo nhiều cơ hội khai thác phát triển, khiến nhu cầu du lịch tăng cao, đồng nghĩa với các dịch vụ liên quan phải tăng theo để đáp ứng. Nếu công tác quản lý thiếu chủ động, yếu kém hoặc phát sinh tiêu cực, sẽ mở đường cho di sản bị xâm hại. Mới nói, sự kiện Hạ Long – Cát Bà được vinh danh di sản thiên nhiên thế giới, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam cho rằng, tất cả quy hoạch liên quan đến vùng di sản muốn phát triển bền vững phải đảm bảo tôn trọng thiên nhiên, với Hải Phòng và Quảng Ninh điều này cũng không ngoại lệ. “Chúng ta phải ứng xử rất nhẹ nhàng, tinh tế, khoa học, không thể làm ồ ạt, phải làm từng bước trên nền tảng khoa học mới mong có sự phát triển bền vững” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Nhưng nội dung cụ thể hơn như đã đề cập, Hạ Long – Cát Bà là mô hình di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam, vậy làm thế nào để 2 địa phương cùng khai thác, vận hành và bảo tồn giá trị, mà không theo vết cũ “mạnh ai người làm”, xuất hiện tình trạng “cát cứ” như những năm qua? Hơn nữa, khi đã cùng vận hành di sản của thế giới, cả 2 địa phương đều buộc phải tuân thủ những khuyến nghị nghiêm ngặt của công ước và quy định của các tổ chức quốc tế, nhằm đảm bảo hoạt động du lịch không gây tác động tiêu cực đến giá trị nổi bật của cụm di sản.

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin Hải Phòng Trịnh Văn Tú cho biết,  TP Hải Phòng cùng tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng một bộ quy tắc quản lý chung. “Không có một ban quản lý chung nhưng sẽ có thống nhất về việc quản lý, bảo vệ giá trị di sản, thông tour tuyến và cả giá cả dịch vụ du lịch…” - ông Tú nói thêm.  Cũng theo Phó Giám đốc Trịnh Văn Tú, để làm được điều đó, TP Hải Phòng sẽ kiện toàn Ban Quản lý di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà trên cơ sở tích hợp Vườn Quốc gia Cát Bà, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà thành một đơn vị để thống nhất quản lý và phát huy giá trị di sản, song song với việc phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh nâng cao chất lượng khai thác du lịch.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, nỗ lực của 2 địa phương có cùng nguồn di sản sẽ mang lại những hiệu quả thực chất, tạo ra luồng gió mới làm lan tỏa giá trị trong không chung của giá trị di sản Việt Nam, điều quan trọng là để quần thể di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long – Cát Bà không chỉ là danh hiệu, mà phải là thương hiệu.

PV
.
.
.