Đẩy mạnh sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối cung - cầu lao động

Thứ Tư, 29/03/2023, 08:13

Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến khó khăn về việc làm cho công nhân lao động đã diễn ra từ những tháng cuối năm 2022 và được dự báo có thể kéo dài hết quý I/2023. Tuy nhiên hiện tại, dù đã hết quý I/2023, tình trạng các doanh nghiệp thiếu đơn hàng vẫn chưa được cải thiện.

Doanh nghiệp chưa hết khó

Dự báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian tới, có thể sẽ có thêm khoảng 287 nghìn lao động nữa bị ảnh hưởng việc làm. Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đưa ra nhận định, một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, có thể trong quý II sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

ld.jpg -0
Các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ… vẫn đang chịu áp lực lớn do thiếu đơn hàng.

Chưa khi nào phải đối diện với tình cảnh “ăn đong” đơn hàng như hiện nay, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân (Nam Định) cho hay. Theo ông Hùng, đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên hàng dệt may xuất khẩu.

“Với hơn 2.000 lao động, chúng tôi đang phải xoay xở đủ kiểu để giữ việc làm cho người lao động. Đơn hàng đã ký trước đó chỉ duy trì được một thời gian ngắn nữa. Để giữ cho các dây chuyền hoạt động ổn định thời gian tới, Ban giám đốc phải vận dụng mọi khả năng để tìm kiếm nguồn đơn hàng chia sẻ với các doanh nghiệp khác, tìm kiếm các đơn hàng nhỏ từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Hiện doanh nghiệp đang theo dõi sát sao sự chuyển động của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may từ đó lập kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp”, ông Hùng cho biết.

 Da giày cũng là ngành mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp cho biết, năm nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày rất ảm đạm. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không cần thiết, các đối tác nhập khẩu bị tồn đọng hàng nên không đặt thêm đơn hàng mới. Hiện nhiều doanh nghiệp da giày đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, có nơi phải cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc tạm thời vì thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Dự kiến phải đến hết quý II/2023, tình hình mới có thể khả quan hơn, đây là nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam. Bà Xuân cho biết, tình trạng khó khăn về đơn hàng hiện nay là do các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản đều suy giảm.

Tình trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam ở một số ngành đã diễn ra nghiêm trọng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu lao động trong các lĩnh vực này hiện nay. Theo các chuyên gia, việc các thị trường lớn như EU, Mỹ… bị thu hẹp, giải pháp cho các doanh nghiệp hiện nay là tìm kiếm thị trường ở khu vực khác, kể cả trong nước để ổn định sản xuất, ổn định thị trường lao động.

Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các ngành liên quan hết quý II, lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ được cải thiện. Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng nên chú trọng hơn đến thị trường trong nước trong giai đoạn này để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết bài toán việc làm cho người lao động.

Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua đã có hơn 45 nghìn lao động phải nghỉ việc, gần 650 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm do tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề trọng tâm đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổ chức công đoàn đang triển khai các biện pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động. Theo đó, thông qua sự liên kết của các công đoàn cơ sở để tìm việc làm mới cho người lao động.

“Trong số lao động mất việc, nhiều người đã quay trở lại tìm việc làm ở các doanh nghiệp khác, tuy nhiên trong số này cũng có không ít lao động đã ngoài 35, 40 tuổi. Đây là nhóm lao động cần sớm có giải pháp để giải quyết bài toán việc làm cho họ. Bài toán đào tạo lại lao động hay các giải pháp giải quyết bài toán việc làm cho nhóm đối tượng này là rất cần thiết”, bà Hà cho hay.

Trong khi đó, để giải bài toán kết nối cung – cầu lao động, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã vừa khai trương sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối toàn quốc. Sàn giao dịch việc làm này sẽ kết nối 63 địa phương trên toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất của thị trường lao động Việt Nam, người lao động và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với nhau...

Ngay tại buổi triển khai thí điểm, các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành đã kết nối 79 doanh nghiệp cùng đông đảo người lao động vào hệ thống, trong đó, tại đầu cầu Hà Nội có 27 doanh nghiệp tham gia kết nối.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, việc xây dựng công cụ kết nối giao dịch việc làm trực tuyến giữa trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương nhằm đảm bảo thị trường lao động kết nối một cách linh hoạt, đồng bộ. Việc kết nối thống nhất toàn quốc cũng là để tránh đứt gãy cục bộ, điểm nghẽn của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay.

“Sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 63 tỉnh, thành sẽ giúp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, qua đây có thể nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đông lao động để có phương án kết nối cung – cầu lao động. Hệ thống này cũng góp phần dự báo thông tin việc làm từ nhiều góc độ khác nhau”, ông Bình cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.