Đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ để “giữ chân” nhà đầu tư ngoại

Chủ Nhật, 21/08/2022, 23:01

Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ôtô, điện tử... nhưng lại đang rất yếu ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện... để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu (NK) khiến sản xuất bị động, chi phí cao.

Ngoài các doanh nghiệp (DN) trong nước, làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang “chảy” mạnh vào Việt Nam, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để đáp ứng nhu cầu sản xuất trở nên cấp thiết...

Đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ để “giữ chân” nhà đầu tư ngoại -0
DN trong nước trưng bày các sản phẩm linh kiện để giới thiệu đến các DN FDI.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI đạt trên 15 tỷ USD (bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt, có nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao, được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài các nhà đầu tư FDI, các DN sản xuất trong nước cũng đang rất cần các DN cung ứng sản phẩm CNHT tại thị trường nội địa, để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT, hoặc nếu đầu tư vào CNHT thì phần lớn cũng không đáp ứng được yêu cầu của các DN sản xuất, đặc biệt là DN FDI do sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.

Điển hình như ngành dệt may, bà Nguyễn Khánh Nhật - Phó Trưởng Ban Phát triển Bền vững - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Nguyên liệu cuả các công ty dệt may chiếm đến khoảng 85% tổng doanh thu, trong khi đó 100% nguyên liệu đều phải NK”.

Điều đó cho thấy, mặc dù có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn, nhưng ngành dệt may trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, khi dịch COVID -19 xảy ra DN dệt may đã gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy. Đến khi nguồn cung nguyên liệu được ổn định, thì giá nguyên liệu tăng cao khiến sản phẩm rất khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường XK. Tương tự, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô... hiện cũng phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào NK, nên cũng gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, với mặt hàng hoá chất, đây là nguyên liệu được sử dụng trong rất nhiều ngành sản xuất, XK chủ lực như: Giày dép, cao su, nhựa, phân bón, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép… nhưng hiện nay, mặt hàng này cũng nằm trong nhóm các mặt hàng nguyên liệu NK có kim ngạch tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch NK hóa chất tăng đến 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hoá chất - Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA) trong thời gian qua cũng than phiền về việc NK nguyên liệu hoá chất đầu vào với mức giá quá cao. Điều này dẫn đến giá đầu ra sản phẩm cũng tăng theo, nên mức độ cạnh tranh của DN thấp đi.

Theo chia sẻ của ông Thanh, có rất nhiều ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hoá chất ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu NK. Vì thế, khi giá nguyên liệu tăng, nguồn cung thấp đi, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, để DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh thì buộc phải chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, XK cuả DN hiện nay là rất lớn, trong khi đó DN hoàn toàn bị động khi nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định, giá nguyên liệu NK tăng cao, chi phí logistics cũng tăng mạnh. Vì vậy, các DN đã tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, để dần thay thế nguyên phụ liệu NK, giảm bớt khó khăn.

Điều đó cho thấy, việc thúc đẩy sản xuất, phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giúp DN trong nước phát triển cũng như thu hút và “giữ chân” các DN FDI. Đặc biệt, việc phát triển CNHT cũng sẽ giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nội địa hóa ngành CNHT còn thấp chỉ đạt khoảng 65%. Để hỗ trợ các DN trong nước, thời gian qua Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh (Sở Công thương) cũng đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức các triển lãm, ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp CNHT… để kết nối các DN cung ứng trong nước với các DN FDI…

Định hướng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, tháng 8/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Cụ thể, đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp.

Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Thúy Hà
.
.
.