Đầu tư công nghệ, xanh hóa ngành logistics

Thứ Năm, 18/07/2024, 07:10

Ngành logistics Việt Nam không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp logistics đã và đang đầu tư công nghệ, đổi mới, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, ngành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 - 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần. Cùng với đó, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam.

Theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel, cơ hội khi DN áp dụng tự động hóa logistics rất lớn, đó là: Nâng cao hiệu suất làm việc; tiết kiệm nguồn lực tài chính; đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt. Để đáp ứng nhu cầu, Viettel đã xây dựng hạ tầng logistics, bao gồm: Công viên, trung tâm logistics, kho ngoại quan, cửa khẩu, cảng cạn để kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với trung tâm giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và các cửa khẩu để giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa. Trung tâm và công viên logistics của Viettel có 37 vị trí trên toàn quốc. Việc phát triển hạ tầng logistics của Viettel xác định đẩy mạnh trên cả phương diện vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty Logistics, đơn vị thành viên của Bưu điện Việt Nam cho biết, đến nay, Bưu điện Việt Nam có hệ thống kho ngoại quan tại miền Bắc với tổng diện tích khoảng 73.000m2, phù hợp với nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là phục vụ lưu trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm cho các DN FDI hoạt động sản xuất và XNK. Thực tế, Bưu điện Việt Nam đã và đang là đối tác logistics cung cấp giải pháp kho ngoại quan toàn diện cho hàng chục DN kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện tử, may mặc, giày da.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng trang bị hệ thống quản lý an ninh có mức kiểm soát cao nhất, đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn an ninh tương đương cảng hàng không quốc tế như: Hệ thống soi chiếu hồng ngoại, camera giám sát 24/24h, bao quát toàn bộ các vị trí trong kho, kết nối dữ liệu trực tiếp với cơ quan Hải quan.

Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển nhưng các DN logistics Việt Nam phải đối mặt với các thách thức. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ, không tạo ra hệ thống vận chuyển đa phương thức cần thiết dẫn đến hạn chế trong trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức vận tải. Ngoài ra, các DN logistics vẫn gặp khó khăn về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, gây ra sự khó khăn trong việc cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hiệu quả. Cùng với đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Đa số lao động trong các DN nội địa chiếm tỷ lệ từ 93 - 95% nhưng thiếu chuyên môn, không được đào tạo bài bản, chủ yếu tham gia ở mức độ các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, quản lý kho và xử lý vận đơn.

logistic.jpg -0
Đầu tư xanh hoá trong ngành logistics là yếu tố bắt buộc, doanh nghiệp cần phải tuân thủ và đầu tư bài bản.

Xanh hóa logistics là yếu tố bắt buộc

Đi cùng với sự đầu tư về công nghệ, các thiết bị hiện đại cho ngành phát triển bền vững thì vấn đề đầu tư xanh hóa trong ngành logistics là yếu tố bắt buộc, DN cần phải tuân thủ và đầu tư nhiều hơn. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, trên thế giới, nhiều DN logistics lớn như các hãng tàu, DN cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết. Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, logistics là một trong những ngành then chốt, cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “chuyển đổi số”. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng DN dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics, thương mại điện tử cũng như nền kinh tế.

Từ yêu cầu đó, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Để thúc đẩy logistics xanh thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần thống nhất nhận thức về vai trò của ngành logistics, từ đó có chìa khóa triển khai đồng bộ. Đồng thời, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện. Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các DN.

Để đạt được các mục tiêu xanh hóa logistics, theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong đó xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

Đối với các DN, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. DN cũng cần tranh thủ sự khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải.

Phan Đức
.
.
.