Đấu giá 2 mỏ cát cao ngất ngưởng rồi thông báo... không đủ điều kiện thực hiện

Thứ Ba, 07/11/2023, 09:13

Sau một thời gian trúng đấu giá 2 mỏ cát tại huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) với giá đấu trúng cao gấp vài chục lần giá khởi điểm, Công ty Cổ phần du lịch và bất động sản Việt Nam (Công ty CP DL&BĐS Việt Nam) bất ngờ có văn bản “báo cáo cho UBND huyện Đông Giang được biết rằng công ty không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện đầu tư dự án khai thác khoáng sản nêu trên”. Tuy nhiên, khi nói về công văn này, lãnh đạo công ty lại cho rằng do “nhầm”, phía công ty vẫn đang xúc tiến các thủ tục cấp phép mỏ theo quy định (!?).

Ông Coor Le, Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Giang cho biết, ngày 26/4/2023, UBND huyện tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng tại điểm mỏ ĐG-BS04 thôn A Dinh, thị trấn Prao có diện tích 0,7ha, trữ lượng dự kiến 10.000m3 và điểm mỏ ĐG-BS02 thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây có diện tích 3,49ha, trữ lượng dự kiến 25.000m2. Buổi đấu giá có 20 đơn vị tham gia; giá khởi điểm của điểm mỏ ĐG-BS04 là hơn 68 triệu đồng, điểm mỏ ĐG-BS02 có giá khởi điểm gần 171 triệu đồng.

Đấu giá 2 mỏ cát cao ngất ngưởng rồi thông báo... không đủ điều kiện thực hiện -0
Khu vực điểm mỏ ĐG-BS04 thôn A Dinh, thị trấn Prao, huyện Đông Giang.

Kết thúc phiên đấu giá, Công ty CP DL&BĐS Việt Nam (địa chỉ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã trúng đấu giá 2 mỏ cát trên, với điểm mỏ ĐG-BS04 giá đấu trúng là 2,9 tỷ đồng, điểm mỏ ĐG-BS02 giá đấu trúng là 7,8 tỷ đồng.

Ngày 5/5/2023, UBND huyện Đông Giang đã ban hành 2 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng tại 2 điểm mỏ trên, yêu cầu Công ty CP DL&BĐS Việt Nam trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam để thẩm định, trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét cấp giấy phép theo quy định.

Thế nhưng, bất ngờ đến ngày 20/10 vừa qua, Công ty CP DL&BĐS Việt Nam đã có Văn bản số 06/2023-VB gửi UBND huyện Đông Giang, nêu rõ: Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, công ty đã tiến hành hợp tác với đơn vị tư vấn Công ty TNHH MTV Dương Trung Chu Lai ký Hợp đồng số 38/2023/HĐTV ngày 24/5/2023 lập đề án thăm dò; thi công thăm dò; lập và phê duyệt kết quả thăm dò; lập báo cáo KTKT; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác tại 2 điểm mỏ nói trên.

Đơn vị tư vấn đã khảo sát thực địa khu vực mỏ lấy mẫu khoanh định diện tích, thu thập tài liệu khảo sát, tài liệu địa chất, lập bản thuyết minh, phụ lục và các bản vẽ kỹ thuật kèm theo lập đề án thăm dò. Đồng thời công ty cũng đã cử đội ngũ nhân viên chuyên môn đi khảo sát thực địa kết luận tại các tuyến đường vào mỏ gặp nhiều bất lợi, trong quá trình thương thảo giải tỏa đền bù với người dân không thống nhất và tình hình các ngân hàng siết chặt về việc giải ngân cho nên tài chính công ty bị hạn chế.

“Nay Công ty CP DL&BĐS Việt Nam báo cáo cho UBND huyện Đông Giang được biết rằng công ty không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện đầu tư dự án khai thác khoáng sản nêu trên”, văn bản của Công ty CP DL&BĐS Việt Nam nêu.

Để tìm hiểu rõ thêm một số thông tin liên quan, ngày 6/11, PV Báo CAND đã liên hệ số điện thoại 0773233*** của ông Lê Anh Bảo, Tổng Giám đốc Công ty CP DL&BĐS Việt Nam để hẹn làm việc, song ông Bảo cho biết đang đi công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua điện thoại, ông Bảo nói rằng phía công ty vẫn đang triển khai các thủ tục liên quan đến 2 mỏ cát đấu trúng tại huyện Đông Giang (?).

Khi chúng tôi hỏi về Văn bản số 06/2023-VB do chính ông Bảo ký, đóng dấu là như thế nào thì ông Bảo phân trần: “Chắc nhầm hay răng đó chứ bên em đang làm mà” và lý giải thêm về việc đấu giá 2 mỏ cát cao hơn hàng chục lần so với giá khởi điểm là “do nhu cầu của dân thì nó bình thường chứ không có chi hết anh”.

Trong khi đó, ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, UBND huyện rất thất vọng khi nhận được Văn bản số 06/2023-VB của Công ty CP DL&BĐS Việt Nam bởi lẽ trên địa bàn huyện có nhiều công trình đầu tư công đang “khát” cát để thi công đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mặt khác, huyện Đông Giang là địa phương miền núi có hơn 75% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu xây dựng, kiên cố hóa nhà cửa của người dân lớn nhưng hiện địa phương không có mỏ cát hoạt động. Cát xây dựng đang được mua, vận chuyển từ các mỏ tại huyện Đại Lộc chở về nên giá thành đội lên rất cao khiến cộng đồng các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sử dụng cát xây dựng hết sức khó khăn.

Trước thực tế địa phương, UBND huyện Đông Giang đã xin chủ trương, tổ chức đấu giá 2 mỏ cát ĐG-BS04 thôn A Dinh, thị trấn Prao và ĐG-BS02 thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây. “Việc đấu giá 2 mỏ cát công khai sẽ thu lợi cho ngân sách Nhà nước nhiều lần, đồng thời giải quyết được nhu cầu cát xây dựng phục vụ các công trình tại địa phương. Thế nhưng, khi Công ty CP DL&BĐS Việt Nam, đơn vị trúng đấu giá 2 mỏ cát gửi văn bản báo rằng không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện đầu tư dự án khai thác cát đã gây rất nhiều khó khăn cho huyện, tạo ra tiền lệ xấu.

Để tổ chức đấu giá lại 2 mỏ cát này cần giải quyết rất nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Quan điểm của huyện là sẽ có công văn tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị nào trúng đấu giá khai thác khoáng sản rồi không triển khai thực hiện, thậm chí có thể cấm, không cho đơn vị đó tham gia đấu giá tại địa phương nữa”, ông Phương bày tỏ bức xúc, nói.

Về việc Công ty CP DL&BĐS Việt Nam cho rằng, đã cử đội ngũ nhân viên chuyên môn đi khảo sát thực địa kết luận tại các tuyến đường vào mỏ gặp nhiều bất lợi, trong quá trình thương thảo giải tỏa đền bù với người dân không thống nhất và tình hình các ngân hàng siết chặt về việc giải ngân cho nên tài chính công ty bị hạn chế, ông Phương khẳng định là không thỏa đáng, không khách quan bởi lẽ 2 điểm mỏ nêu trên sát với đường QL14G và đường Hồ Chí Minh, rất thuận lợi cho việc khai thác, hơn nữa công ty chưa có động thái nào làm việc với huyện Đông Giang để triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, việc công ty nói người dân không thống nhất là hoàn toàn không có cơ sở.

Ngọc Thi
.
.
.