Đảm bảo đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Bảy, 30/10/2021, 15:23

Đồng hành với người dân, DN, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt. Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các DN, người dân vượt qua những khó khăn.

Cộng hưởng sức mạnh

Đại dịch COVID-19 xảy ra như một “khách không mời mà đến”, sau khi trải qua 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã xác định sẽ chung sống với dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nếu nhìn lại cả quá trình chống dịch, ngành y tế cả nước, lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc quyết liệt. Chưa có giai đoạn lịch sử nào chúng ta phải tập trung nhiều lực lượng với nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ...

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn- Tổng cục Thuế cho biết, cái khó của ngân sách nhà nước đó là làm sao có tiền để chi, vì bình thường đã phải lo cho đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển cho sự nghiệp trong tương lai. Trong thời gian vừa qua, với tư tưởng “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp gánh nặng của DN giảm dần.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, có một số giải pháp chính sách cần thực hiện như: Thứ nhất, có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà DN có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả. Thứ hai, phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để DN có thể thực hiện. Thứ ba, cần tiếp tục kêu gọi DN tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân, trong đó có sự đóng góp của DN.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng cần các chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh. Chia sẻ bức tranh toàn cảnh về DN, ông Vinh cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

“Phải khẳng định rằng, đồng hành với người dân, DN, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt. Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các DN, người dân vượt qua những khó khăn. Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể”, ông Vinh nói và cho rằng để cộng đồng DN tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh.

Đảm bảo đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp -0
Các gói tài khóa cần triển khai nhanh hơn.

Cải cách hành chính mạnh hơn

Đứng ở góc nhìn phản biện, cho rằng còn nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia chỉ ra quá trình thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ DN vẫn còn một số hạn chế, thách thức như tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng - tương đương 6% đến hết tháng 9/2021).

“Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp. Chúng ta đã tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… Do đó, nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh.

Cũng đưa ra góp ý về quá trình hỗ trợ DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI dẫn thống kê của VCCI cho thấy, trong năm 2020 có đến 93,9% DN bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Trong đó, có đến 34% DN bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực; 59,9% DN bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực; có đến 87,2% bị ảnh hưởng tiêu cực. Ông Tuấn cho rằng các chính sách hỗ trợ DN dường như chưa nhiều. “Nhìn lại năm qua chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nên cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn đặc thù của ngành ngân hàng khi hỗ trợ lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; đồng thời có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ DN.

“Các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành ngân hàng đang làm, bản chất là DN hỗ trợ cho DN, giảm lãi giảm phí. Tất cả những khoản nợ mà DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các DN cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi DN doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… Cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ DN”, ông Hùng trao đổi.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đặc biệt nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng là các DN, do đó, mong các DN cùng đồng hành chia sẻ khó khăn lẫn nhau.

Hà An
.
.
.