Đại học Đà Nẵng với tầm vóc một đại học vùng trọng điểm quốc gia
Được thành lập theo Nghị định 32/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã khẳng định vai trò, vị thế của một đại học vùng trọng điểm quốc gia với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Tiền thân hợp thành ĐH Đà Nẵng gồm một trường ĐH, một cơ sở giáo dục ĐH (cấp khoa), một trường cao đẳng và một trường công nhân kỹ thuật. Nhờ phát huy tối đa lợi thế dùng chung nguồn lực và sức mạnh cộng hưởng từ truyền thống gần 50 năm của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng ngày nay là một ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước với hơn 60.000 sinh viên và học viên sau đại học với gần 1.000 sinh viên quốc tế. ĐH Đà Nẵng có đủ hầu hết các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và người học với 152 ngành, chuyên ngành ĐH, 44 ngành Thạc sĩ và 29 ngành Tiến sĩ.
Với tầm nhìn chiến lược về phát triển đội ngũ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên được đi đào tạo ở nước ngoài, cùng với việc xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã không ngừng phát triển đội ngũ với gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần so với khi mới thành lập). Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên gần 47% (Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng gần 75%, bình quân chung cả nước là 30%), đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết.
Thành quả nổi bật của ĐH Đà Nẵng là có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung ứng hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt, đóng góp tích cực để phát triển vùng và đất nước. “Thật tự hào khi đi bất cứ nơi đâu trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên và cả nước đều có thể bắt gặp các cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng thành đạt, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học; tham gia hầu khắp các công trình, dự án lớn”- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ.
Luôn chú trọng cập nhật nội dung, cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng các phương pháp dạy-học tiên tiến (Học theo Dự án-Project Based Learning, CDIO, Học từ trải nghiệm-Learning Express, Học kỳ doanh nghiệp…), nhạy bén trong việc mở nhiều ngành đào tạo mới phục vụ phát triển các ngành mũi nhọn, bắt nhịp với Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh…, ĐH Đà Nẵng thực sự là địa chỉ đào tạo uy tín, được đông đảo học sinh tin tưởng lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh.
Mới đây, ĐH Đà Nẵng cùng các ĐH hàng đầu của đất nước tiên phong thành lập Liên minh các ĐH đào tạo nhân lực để phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn. 3 trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn) đều mở ngành Thiết kế vi mạch, tuyển sinh ngay trong năm 2024 với khoảng 200 chỉ tiêu. Cùng với đó, các trường, đơn vị phối hợp với chuyên gia đến từ các tập đoàn, tổ chức uy tín như Candence, Tresemi (Silicon Valley), FPT, Synopsys… mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về chip bán dẫn cho sinh viên các chuyên ngành gần, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực sẵn sàng đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư, tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với các chính sách phát triển hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản, hàn lâm với nghiên cứu ứng dụng, phục vụ các địa phương, doanh nghiệp, nhiều phát minh, sáng chế của các nhà khoa học, giảng viên ĐH Đà Nẵng được áp dụng rộng rãi trong thực tế, thiết thực phục vụ cộng đồng, điển hình như các sản phẩm sáng tạo phòng, chống COVID-19 (như máy đo thân nhiệt từ xa, robot phục vụ khu cách ly, robot khử khuẩn bằng tia UV, thiết bị vận chuyển bệnh nhân COVID-19, máy rửa tay sát khuẩn…).
ĐH Đà Nẵng coi trọng gắn kết với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, hợp tác chặt chẽ với các địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…) trong việc nghiên cứu xây dựng, phản biện chính sách; ký kết, triển khai hợp tác với các ĐH Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia uy tín.
Mạng lưới hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp của ĐH Đà Nẵng ngày càng sâu rộng, hiệu quả với hơn 200 đối tác trong và ngoài nước (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Asean…); là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn như: Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF), Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và mới đây trở thành thành viên đầu tiên ngoài châu lục của Liên minh các ĐH Châu ÂU (ULYSSEUS)...
ĐH Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, để đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chủ trương phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia là cơ hội để ĐH Đà Nẵng được hưởng cơ chế tự chủ ĐH cao nhất, được đầu tư trọng tâm trọng điểm của nhà nước để thực sự trở thành một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế.
Để hiện thực khát vọng lớn, ĐH Đà Nẵng huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện các Dự án Khu Đô thị ĐH (tại Hòa Quý-Điện Ngọc), Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER)... Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để tiếp tục nỗ lực lớn, quyết tâm cao, triển khai thành công Chiến lược phát triển ĐH Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Nghị quyết của Đảng.
• ĐH Vùng trọng điểm Quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành gồm có 06 trường ĐH thành viên:
Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn;
06 đơn vị đào tạo trực thuộc: Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Khoa Y-Dược, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Khoa Giáo dục Thể chất, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên và các viện, khoa, trung tâm trực thuộc khác.• ĐH Đà Nẵng thuộc Top đầu các trường ĐH có nhiều CTĐT kiểm định quốc gia, quốc tế với 95 CTĐT; Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đạt chuẩn chất lượng quốc tế (HCERES Châu Âu từ năm 2017 đến nay); 04 trường ĐH thành viên đạt chuẩn chất lượng Quốc gia (từ năm 2016 đến nay).
• Hàng năm thực hiện 200-250 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; doanh thu chuyển giao khoảng 30 tỷ đồng; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus).