Công nhân ồ ạt về quê, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động

Thứ Tư, 22/12/2021, 07:38

Tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng chục nghìn công nhân từ các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê tránh dịch. Thế nhưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn vẫn đau đầu với bài toán nhân lực, khi không thể tuyển được lao động vào làm việc dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ.

Công nhân ồ ạt về quê, doanh nghiệp “khát” lao động

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh nằm trong Cụm công nghiệp Nam Hồng, tỉnh Hà Tĩnh là doanh nghiệp nước ngoài vốn 100% Hàn Quốc, chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm găng tay thể thao, găng tay công nghiệp, trang phục thể thao, sử dụng 4.000 lao động. Năm 2021, công ty cần tuyển dụng mới 1.500 lao động nhưng tính đến thời điểm này, chỉ mới tuyển dụng được 1.100 vị trí việc làm. Từ tháng 9/2021 đến nay, khi bùng dịch ở các tỉnh phía Nam, công nhân nườm nượp về quê, bộ phận phụ trách nhân sự công ty hết sức vui mừng, xem đây là “cơ hội vàng” để thu hút lao động vào làm việc tại doanh nghiệp này.

Thế nhưng, không như mong đợi, dù đã đưa ra hàng loạt chính sách đãi ngộ như tham gia BHXH từ tháng đầu tiên, miễn phí ăn trưa, hưởng 14 ngày nghỉ phép/năm, thưởng lương tháng 13, hỗ trợ xăng xe, nhà ở, con nhỏ… cùng với đó là mức lương hấp dẫn từ 4,7 triệu đồng trở lên, song người lao động vẫn không mặn mà.

“Thậm chí, chúng tôi đã liên hệ đến tận từng xã, phường để xin danh sách lao động về quê đợt dịch vừa rồi. Trực tiếp gọi điện thoại và tư vấn cho từng lao động, song kết quả nhận lại vẫn là những cái lắc đầu kiên quyết. Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, Công ty đã thực hiện hơn 500 cuộc điện thoại kết nối đến người lao động, song số hồ sơ tiếp nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Phan Thị Thanh Giang, Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Haiviana Hồng Lĩnh cho biết.

Công nhân ồ ạt về quê, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động -0
Vẫn còn nhiều vị trí việc làm bị “khuyết” bên trong Nhà máy may An Hưng tại huyện Yên Thành (Nghệ An).

Tương tự, Nhà máy may An Hưng thuộc Công ty CP Tập đoàn An Hưng đóng chân trên địa bàn xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có quy mô tạo việc làm cho từ 8.000 - 10.000 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định hàng tháng từ 6 triệu – 12 triệu đồng. Năm 2021, nhà máy dự kiến tuyển dụng 2.500 lao động nhưng chỉ mới có hơn 1.000 lao động làm việc tại đây.

Thời điểm này, ngoài công nhân, nhà máy còn khuyết hàng loạt vị trí quan trọng như tổ trưởng, tổ phó, kỹ thuật chuyền… với mức lương trên 10 triệu đồng nhưng vẫn không tìm ra nhân sự. Ngoài tiền lương, lao động làm việc tại đây còn được hưởng các phụ cấp khác như, hàng tháng được hỗ trợ 250.000 đồng tiền xăng xe, 500.000 đồng tiền chuyên cần, 300.000 đồng tiền phân loại. Ngay trong giai đoạn thử việc, các lao động sẽ được tham gia đóng bảo hiểm ngay, gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định. Được biết, thực trạng của các nhà máy nói trên cũng là tình trạng chung của phần lớn doanh nghiệp cần số lượng lao động lớn trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Trung hiện nay nói chung.

Đâu là nguyên nhân?

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, do tác động của dịch COVID-19, từ đầu năm 2021 đến nay Hà Tĩnh đã có 46.144 công dân trở về địa phương từ các vùng dịch trong cả nước, trong đó có 23.932 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết, để hỗ trợ người lao động có nhu cầu tìm việc làm, hằng tháng, trung tâm đã tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, kết nối doanh nghiệp với người lao động tìm kiếm việc làm song hiệu quả thực sự vẫn chưa cao. Trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 2.100 vị trí việc làm nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “khát” lao động.

Thống kê cũng cho thấy, từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có hơn 80.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê. Hiện, có 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần tới 15.337 vị trí việc làm, nhưng cung chưa gặp cầu. Thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm, có tình trạng nhiều lao động đã đăng ký nhưng sau đó lại không tham gia phỏng vấn.

Lý do khiến lao động miền Nam về không muốn làm việc trên chính quê hương của mình, qua tìm hiểu được biết, mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung ở các tỉnh phía Nam vẫn là rào cản lớn nhất. Theo chia sẻ, mức lương bình quân mà công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh miền Nam, trung bình từ 5 triệu – 8 triệu đồng, nếu tăng ca thì mỗi tháng không dưới 12 triệu đồng. Do đó, khi về quê, dù được làm việc gần nhà, song với mức thu nhập sụt giảm đáng kể nói trên đã khiến không ít lao động coi chuyến về quê này là để tránh dịch, khi bình ổn sẽ quay trở lại làm việc.

Thực tế cho thấy, với mức thu nhập như trên, khi làm việc xa nhà, người lao động sẽ mất thêm các khoản phí khác như tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền gửi con đi nhà trẻ… nên sau khi khấu trừ, số tiền tích cóp được cũng rất ít ỏi. Dù vậy, xu hướng “Nam tiến” theo phong trào nên phần lớn công nhân về quê đợt vừa rồi, đều mang tâm lý về tạm thời, tránh dịch chứ không có ý định ở lại quê hương làm việc lâu dài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng xác định chỉ cắt giảm số lượng công nhân hoặc đóng cửa tạm thời để tránh dịch, nên đã níu chân công nhân bằng cách giữ lại bảo hiểm xã hội để khi trở lại trạng thái bình thường mới, sẽ tiếp tục đón công nhân trở lại làm việc. Đây cũng là trở ngại lớn khiến không ít công nhân, nếu có ý định làm việc tại quê nhà cũng sẽ gặp khó.

Thiên Thảo
.
.
.