Chuyển đổi số và quyết định "sống còn" với doanh nghiệp

Thứ Bảy, 18/02/2023, 07:14

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang thay đổi, đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là ngành mà các DN có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tương đối tốt và nhiều DN ngành nghề khác cũng đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số.

Tạo thêm nhiều giá trị

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KH&ĐT) cho biết, năm 2022, những tác động sau dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các DN Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều DN nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp DN thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.

331307133_512720277718015_513395033098495821_n.jpg -0
Dây chuyền nhiệt luyện liên tục được tích hợp trên nền tảng IOT do VICO chế tạo 100%.

Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những DN biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các DN chưa chuyển đổi.

Trên thực tế, như chia sẻ của ông Nguyễn Quang Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Langbiang cho thấy, nhờ chương trình chuyển đổi số của Bộ KH&ĐT phối hợp với đã giúp DN hoạch định chiến lược, lộ trình chuyển đổi số từ năm 2021. Đến nay, DN đã đưa vào áp dụng thành công hệ thống ERP, giúp quản trị toàn bộ các hệ thống kế toán, tài chính, thu mua, kho hàng, v.v. và hệ thống truy suất nguồn gốc giúp theo dõi, quản trị toàn trình suốt vòng đời phát triển của cây rau và hoa. Toàn bộ hệ thống trang trại của Langbiang đã được trang bị hệ thống Wifi kết nối, các hệ thống điều khiển giúp tự động hóa quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc.

"Trong thời gian tới, Langbiang sẽ mở rộng sản xuất, triển khai hoàn thiện hệ thống Master Data và cần hỗ trợ xây dựng hệ thống mã vùng trồng chi tiết, kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp các khách hàng quốc tế dễ dàng kiểm tra và đánh giá nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông sản không chỉ của Langbiang mà của cả Việt Nam. Langbiang cũng sẽ tiếp tục triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và các hệ thống phân phối, bán lẻ giúp các khách hàng trên toàn quốc trải nghiệm, sử dụng và thậm chí đặt hàng trực tiếp các sản phẩm của Langbiang thông qua các nền tảng số", ông Khánh nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam đánh giá, tư vấn kỹ thuật của Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 (Bộ KH&ĐT) và Dự án USAID LinkSME, Xuân Hòa đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số và đang lựa chọn đối tác triển khai hệ thống ERP, hệ thống quản lý kho (Warehouse Management System), hệ thống Quản trị sản xuất và nhiều ứng dụng công nghệ khác. Ban lãnh đạo Công ty đánh giá, trong 1-2 năm tới, các hệ thống công nghệ hoàn thiện sẽ giúp Xuân Hòa không những quản trị, vận hành tốt hơn, mà chắc chắn sẽ giúp Xuân Hòa hội nhập tốt hơn, nâng cao vị thế và trở thành đối tác quan trọng của các hãng nội thất hàng đầu thế giới.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 17/2, ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất- Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cho rằng, chuyển đổi số không chỉ dừng lại là kế hoạch, mà VICO đã và đang quyết tâm triển khai, trong vòng 3-4 năm tới, toàn bộ hệ thống quản trị, vận hành, kinh doanh của Công ty sẽ được thực hiện trên nền tảng số. Từ khi nhận được sự hỗ trợ và tư vấn về chuyển đổi số đã giúp cho DN tối ưu hoạt động sản xuất, chuyển đổi số có thể mang tới những cơ hội mới và ngược lại khi DN hiểu rõ hơn được cơ hội thì động lực để thực hiện cũng mạnh mẽ và quyết tâm cũng lớn hơn, khả năng thành công cao hơn. Theo đó, dự kiến năm 2023, sản lượng ước đạt 17.000 tấn với doanh thu đạt gần 700 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các đơn hàng quốc tế chiếm tới 70%.

Tăng tốc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số

Tuy nhiên, tại Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 cũng cho thấy, về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, 48,8% DN tham gia khảo sát cho biết đã từng sử dụng một giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc hiện tại DN không còn nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân là do DN Việt Nam chưa xác định được mục tiêu chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.

Bên cạnh đó, 35,3% đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu là đưa dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ "bản cứng" thành "bản mềm" để lưu trữ trên hệ thống); chỉ 2,2% DN đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ. Một số nghiệp vụ được DN ứng dụng chuyển đổi số nhiều là: Quản lý xe, vận chuyển hàng hóa; kế toán; bán hàng trên thương mại điện tử…

Ông Phạm Danh Mạnh cho biết, là công ty hoạt động trong lĩnh vực thép đúc tại Việt Nam, VICO đã thành lập Ban Chuyển đổi số, quán triệt tinh thần ứng dụng công nghệ, triển khai xây dựng Master Data, số hóa các dữ liệu Media, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu DN, tích hợp công nghệ IoT và triển khai lên nền tảng điện toán đám mây IBM Bluemix. Tháng 5/2022, VICO đã đưa vào vận hành Dây chuyền xử lý nhiệt liên tục mới với công suất sản xuất 30 tấn/ngày do chính các kỹ sư của công ty chế tạo. Hệ thống vận hành được tích hợp trên nền tảng IoT với tất cả các tính năng vận hành và kiểm soát được chuyển dữ liệu điều khiển và phân tích về phòng Điều hành trung tâm. Đồng thời, công ty thực hiện bán hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba, Kompass, Global Spec.

Kết quả khảo sát năm 2022 về chuyển đổi số của DN cho thấy bước trưởng thành đáng kể của DN so với năm 2021, thể hiện ở số lượng các DN được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều DN cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.

Theo đó, các DN đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều DN đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Cùng với đó, mức độ sẵn sàng của các DN (chủ yếu là DN nhỏ và vừa) cho thấy DN trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.

Bà Trịnh Thị Hương cho rằng, các DN dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong DN là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Lưu Hiệp
.
.
.