Chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán góp phần ngăn ngừa gian lận
Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác định “phát triển công nghệ” là một trong ba trụ cột phát triển KTNN đến năm 2030, đồng thời đã ban hành Chiến lược tổng thể phát CNTT giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bởi thế, lãnh đạo KTNN khẳng định, để thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đầu tư và áp dụng các giải pháp chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán là rất cần thiết.
Theo thống kê, hiện KTNN đang triển khai 27 phần mềm, ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán, bao gồm các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; ứng dụng quản lý hoạt động chuyên ngành; các hệ thống kênh giao tiếp của KTNN và các hệ thống phục vụ tích hợp… Từ năm 2019, KTNN là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện thành công việc đưa tất cả ứng dụng trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp. Đặc biệt, các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán được ưu tiên phát triển để hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng đã thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia với tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương. Trong năm 2023, KTNN đã đưa vào áp dụng 4 phần mềm mới hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động nghiệp vụ: Phân hệ Quản lý kế hoạch kiểm toán giúp các đơn vị đề xuất kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026 của đơn vị; phần mềm Quản lý tài chính tập trung hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị dự toán của KTNN; phần mềm Đánh giá định kỳ kiến thức chuyên môn; cơ sở dữ liệu tài chính cung cấp cho các đơn vị thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên khai thác các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí của đơn vị được kiểm toán. Ngoài ra, KTNN thực hiện điều chỉnh, bổ sung và cập nhật thêm chức năng, giao diện mới cho các phần mềm phục vụ điều hành nội bộ và các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán để phục vụ nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm của các đơn vị. Từ đó, các kiểm toán viên (KTV) đã có thể sử dụng các phần mềm để triển khai nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từ khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán đến theo dõi tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc cập nhật kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ bản được cập nhật lên hệ thống phần mềm của KTNN đầy đủ.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp cho việc phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: Tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán; lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đoàn, tổ kiểm toán trong tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Bên cạnh đó, triển khai Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, KTNN đã hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án “Xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu của KTNN với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đơn vị được kiểm toán”. Dự án bước đầu triển khai kết nối trao đổi dữ liệu với hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án “Xây dựng nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đối tượng kiểm toán” đã hoàn thành, tiếp nhận ý kiến góp ý của chuyên gia, 3 Bộ ngành và ý kiến của Hội đồng thẩm định của KTNN, trình lãnh đạo KTNN phê duyệt.
Chiến lược CĐS của KTNN đến năm 2030 được xác định nhằm hướng tới 4 mục tiêu chính: Công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp KTNN thích ứng với sự thay đổi cũng như quá trình chuyển đổi số trong tương lai; tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sáng phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số; ứng dụng CNTT để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.
Để CNTT thực sự trở thành thế mạnh, lãnh đạo KTNN cho rằng, cần lựa nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ dữ liệu hiện đại, phù hợp với yêu cầu đặc thù về quản lý, lưu trữ dữ liệu của KTNN, thiết lập kiến trúc dữ liệu trên cơ sở nền tảng công nghệ dữ liệu được lựa chọn. Đặc biệt, thiết lập các quy trình thu thập, xử lý, kiểm soát, đánh giá, chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu theo từng lớp dữ liệu; thiết lập các chính sách để quản lý, quản trị dữ liệu; thiết lập các quy trình, chính sách về phân quyền dữ liệu, bảo mật dữ liệu, mã hóa dữ liệu. Lộ trình triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu của KTNN chia thành hai giai đoạn.