Chuyển đổi số - ngân hàng cần phải “thông minh” hơn

Thứ Sáu, 19/11/2021, 06:45

Sáng 18/11, Hội thảo chuyên đề 10- chuyên đề cuối cùng trong loạt hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo có chủ đề: “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để xây dựng và phát triển kinh tế số, ngành ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; đồng thời rà soát, ban hành quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, an ninh, an toàn.

vcb_ra mat vcb digibiz va the visa business (1).jpg -0
Để chuyển đổi số, ngân hàng phải chuẩn bị sẵn nguồn lực.

Cùng với đó, các thành tựu CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị); nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Thêm vào đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số...

Đại diện ngân hàng thương mại, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân - Ngân hàng VPBank cho biết: Thời gian qua với CMCN 4.0, hành vi của khách hàng đã có sự thay đổi nhất định. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng đã khiến phát hành vi này càng thay đổi nhanh.

Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Mobile banking đã tăng trưởng từ 42% trong năm 2019 lên gần 70% trong năm 2020 và 2021; hay là Internet banking cũng đã tăng gấp đôi, từ 32% lên đến 72% trong 2 năm qua. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi COVID-19 được kiểm soát.

“Người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn”, ông Khương nói và nhấn mạnh rằng các ngân hàng cũng phải “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, dịch vụ ngân hàng tương tác đặt khách hàng là trung tâm sẽ thay đổi tư duy của ngân hàng trong các hoạt động truyền thống.

“Việc lấy khách hàng làm trung tâm rất quan trọng khi các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng” - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, ông Dũng cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Thứ ba, phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Thứ tư, phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp. Thứ năm, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Bá Kiệt
.
.
.