Chuyển đổi số - áp lực “sống còn” của nhiều doanh nghiệp

Thứ Sáu, 11/11/2022, 18:23

Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn" đối với nhiều doanh nghiệp. Mặc dù chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 là 30% GDP, song thực tế cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.

Tại tọa đàm “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0” do Công ty 1C Việt Nam phối hợp với một số Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội ngày 11/11, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức với áp lực lạm phát tăng lên. Bởi vậy các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số, chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, low-code, nền công nghiệp 4.0.

Lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp, áp lực  “sống còn” của nhiều doanh nghiệp -0
Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược triển khai phù hợp.

Trước những khó khăn như vậy, nhiều chuyên gia chuyển đổi số cho rằng, chiến lược lựa chọn nhà cung cấp với một hệ sinh thái chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có một mô hình chuyển đổi cần thiết cho sự thành công và bảo mật bền vững. 

Ông Lưu Nhật Quang, Quản lý sản phẩm Giám đốc1C Việt Nam chia sẻ: “Nhìn lại thời gian 2019, 2020, những doanh nghiệp nào thực sự nhạy bén với thay đổi của thời thế, xã hội, kinh tế, môi trường, kịp thời thay đổi và đưa ra giải pháp chuyển đổi số trước những tác động của ngoại cảnh đều cho kết quả rất tốt”.

Ông Nguyễn Tiến Linh, phụ trách kinh doanh về giải pháp phần mềm của Công ty viễn thông quốc tế FPT cũng nêu quan điểm: “Chuyển đổi số không phải chỉ là áp dụng công nghệ số vào, nó còn thay đổi cách thức hoạt động, kinh doanh của một doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng để tăng năng suất, hiệu suất và doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt, phát triển và tạo tính cạnh tranh”.

Ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital nhận định, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số hướng đến việc tạo ra số lượng sản phẩm lớn nhất, với chất lượng cao nhất, dựa trên lượng tài nguyên đầu vào thấp nhất (bao gồm cả thời gian và lao động), ít bước thực hiện nhất và tự động hóa nhiều nhất. Đây đang được xem là ưu tiên cao nhất của toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất cần triển khai.

Cùng với đó là xu hướng sản phẩm cá nhân hóa. Cuối cùng là xu hướng xanh và bền vững thông qua việc các nhà sản xuất cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các bên liên quan trong hệ sinh thái về các sản phẩm và dịch vụ bền vững có tính đến các khía cạnh xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Xây dựng chiến lược để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc khai thác sản xuất một cách hiệu quả.

Hùng Quân
.
.
.