Chủ động các giải pháp đảm bảo đủ điện để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng

Thứ Sáu, 10/01/2025, 05:16

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu ở mức 2 con số. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng trưởng điện gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%. Để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện.

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện

Ông Nguyễn Đức Ninh, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, nhu cầu điện năng trong năm 2025 dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao trong khi nguồn điện mới không được bổ sung tương xứng với nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Do đó, công tác vận hành, cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2024.

Chủ động các giải pháp đảm bảo đủ điện để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng -0
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện.

Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đơn vị đã thực hiện rà soát và cập nhật tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII. Hiện tại, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được triển khai với tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2025, trong khi dự án Hiệp Phước theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2025 nhưng hiện chưa đạt yêu cầu. Một số dự án như Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư, còn dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025… Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2 các chủ đầu tư đã trình phương án nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết. Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026. Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030, và Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt. “Hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Ở góc độ địa phương, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, dù đã có các nghị định và chỉ thị hướng dẫn từ trung ương, nhưng nhiều dự án vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, một phần do sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư trong bối cảnh khung giá điện chưa rõ ràng. Đáng chú ý, dự án LNG Cà Ná – một trong những dự án trọng điểm của Ninh Thuận, tỉnh cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong năm 2025. Về nguồn lưới điện, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đôn đốc các đơn vị thi công sớm các dự án. Về điện hạt nhân, tỉnh cũng thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, triển khai nội dung về mặt bằng. Hiện người dân hai vùng dự án đã có sự đồng tình rất cao. Địa phương kiến nghị làm rõ mốc thời gian triển khai các công tác liên quan cụ thể. Cùng với đó đề nghị EVN đẩy nhanh các dự án nguồn lưới điện tại địa bàn cùng với đó tỉnh cũng kiến nghị có điều chỉnh quy định với điện mặt trời tự sản tự tiêu,…

Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 đã nêu những khó khăn thách thức trong việc cấp điện thời gian tới như việc triển khai các dự án nguồn điện còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nên giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phát triển nguồn điện chỉ đạt 56,7% so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn năng lượng nhà nước phải tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tình hình mới. Bên cạnh việc hoàn thành xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Điện lực số 61/2024/QH15 trước ngày 1/2/2025; rà soát hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn cần tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện.

Tăng tốc đẩy nhanh các dự án điện

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%, có tháng cao điểm lên đến 13-15%. Một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức hai con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000-12.000 MW mỗi năm. 

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức cao là 8% hoặc hai con số thì cung ứng điện phải đạt mức 14-15%. Các công trình nguồn và lưới điện phải tiếp tục hoàn thành, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 thứ hai là Lào Cai - Vĩnh Yên. Để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, Tổng giám đốc EVN cho rằng cần bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thực tế để chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện từ đầu năm 2025; huy động tối ưu các nguồn điện và điều tiết giữ nước các hồ thủy điện ở mức hợp lý; siết chặt kỷ cương vận hành. Đồng thời cần đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn tiếp tục đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án nguồn điện mới; có cơ chế phát huy tinh thần triển khai dự án 500kV mạch 3 để triển khai thực hiện các dự án cấp bách khác; tiếp tục giao cho EVN các dự án nguồn điện mới để có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh này đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đường dây 500kV qua địa bàn tỉnh. Tổ công tác này đảm nhận nhiệm vụ giải quyết các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về các dự án trọng điểm. Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và định hướng phát triển ngành.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3,4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý 1/2025, đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, muộn nhất quý II/2025, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng. Đối với EVN, PVN, TKV cần rà soát chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của tập đoàn để làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành có thể huy động tối đa công suất phát điện trong tháng cao điểm mùa khô 2025 theo kế hoạch cung ứng điện, điều độ cung cấp than, khí.

Lưu Hiệp
.
.
.