Cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp xử lý chất thải lại vi phạm nghiêm trọng về xả thải
Thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý, chủ thể vi phạm lại chính là một số doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải.
Thủ đoạn xả thải tinh vi
Cuối tháng 3 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai kiểm tra, phát hiện Công ty cổ phần Môi trường Thiên Thanh, địa chỉ tại Tổ 12, Ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có hành vi chôn lấp hàng nghìn tấn rác thải trái phép.
Khi cơ quan chức năng yêu cầu công ty múc lớp đất bề mặt kiểm tra, đã phát hiện rác thải có mùi hôi thối nồng nặc, màu đen sẫm đã được chôn lấp thủ công. Cạnh đó, còn một số hố sâu khác đã được bỏ rác xuống và đang chuẩn bị lấp đất để phi tang. Để che giấu, công ty này đã cho công nhân xây dựng tường gạch cao kiên cố khoảng 4m, biệt lập hoàn toàn với khu vực xung quanh. Phía cổng luôn đóng cửa và có lực lượng canh giữ, thậm chí còn đặt biển cấm quay phim, chụp hình. Nhiều người dân chung quanh phản ánh, mỗi khi có gió thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, người dân cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cũng như Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Công ty Thiên Thanh đã có những vi phạm như: vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa có văn bản thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm, phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định.
Công ty chưa lắp đặt các đồng hồ đo lưu lượng đầu ra, đầu vào; chưa tổng hợp lượng chất thải lỏng đã thu gom về hệ thống xử lý các chất thải lỏng nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đưa về hệ thống xử lý nước thải. Điều này dẫn đến việc chưa kiểm soát được lượng nước thải đầu vào phải xử lý và lượng nước thải tuần hoàn tái sử dụng trong quá trình sản xuất. Ở hệ thống xử lý nước thải, Công ty Thiên Thanh đang tồn dư 5 bể chứa nước thải nguy hại chưa xử lý, trong đó có 4 bể là nước thải nhiễm dầu, 1 bể là nước thải axit và kim loại. Quy trình hệ thống xử lý doanh nghiệp không có bể tuần hoàn, chưa tuần hoàn lượng nước thải sau xử lý. Nước thải sau xử lý được đưa về bể giải nhiệt của hệ thống xử lý khí thải để tái sử dụng, công ty không có bể ứng phó sự cố 40m3, chưa có sổ theo dõi, nhật ký vận hành xử lý; chưa tiến hành niêm yết các quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Với hệ thống xử lý khí thải của lò đốt chất thải số 2 và hệ thống xử lý khí thải của hệ thống tái chế chì chưa vận hành thử nghiệm. Công ty chưa có sổ nhật ký vận hành, ghi chép đầy đủ thông tin của quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý khí thải; hệ thống xử lý khí thải tái chế chì đã lắp đặt các chụp hút cho 2 lò nấu chì đang vận hành nhưng việc thu gom khí thải chưa triệt để; chưa có hệ thống xử lý khí thải, phá dỡ ắc quy chì thải. Riêng hệ thống hóa rắn doanh nghiệp này cũng chưa cung cấp được hồ sơ kèm theo để minh chứng cho việc hợp chuẩn, hợp quy đối với gạch sản xuất ra. Với hệ thống tái chế chì, công ty này chưa có nhà xưởng chì thô và có hệ thống tái chế bã chì, hiện mới chỉ có 1 nhà xưởng tận thu chì, nhưng không có trong hồ sơ môi trường. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm
Theo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp xử lý chất thải lại vi phạm quy định pháp luật về xả thải, về bảo vệ môi trường càng cần phải bị xử lý nghiêm để nâng cao tính răn đe.
Được biết, đây không phải là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực xử lý chất thải vi phạm quy định về xả thải, xử lý chất thải. Trước đó, tháng 5/2023, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh và Cao Thọ Bình (41 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố điều tra về tội gây ô nhiễm môi trường. Quá trình thu gom chất thải công nghiệp nguy hại, vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh đã chỉ đạo cấp dưới chôn lấp chất thải là tro bay, xỉ than xuống khu đất trống tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với khối lượng hơn 25.000 tấn.
Và tháng 2/2024 vừa qua, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an cũng đã ra quyết định xử phạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng đối với một doanh nghiệp chuyên doanh dịch vụ xử lý nước thải ở tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là Công ty TNHH dịch vụ và môi trường Trọng Hiếu, có địa chỉ tại xóm Trại, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình xác minh điều tra xác định, công ty này đã thực hiện hành vi xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần so với quy chuẩn. Ngoài xử phạt hành chính số tiền nêu trên, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường còn yêu cầu đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH dịch vụ và môi trường Trọng Hiếu trong thời hạn 4,5 tháng. Đồng thời yêu cầu công ty này thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Theo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, pháp luật hiện hành quy định các hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp sẽ bị phạt đến 2,5 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt tùy vào loại chất thải và ở khung cao nhất lên tới hàng tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả, khởi tố hình sự, tuy nhiên việc xử lý vi phạm chưa thật sự đạt hiệu quả, bởi còn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý vi phạm.
Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao công tác phối hợp; đặc biệt là cần được bổ sung trang thiết bị hỗ trợ công tác giám sát, quản lý, đấu tranh phòng, chống các hành vi đổ trộm, xả thải trộm. Đồng thời, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, địa phương khi để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng về môi trường.