Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Chủ Nhật, 01/08/2021, 11:13

Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đã và đang được triển khai nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, các điều kiện vay vốn vẫn đang là rào cản khiến họ chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ lần này.

Nhiều tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16 nên khó đáp ứng điều kiện vay vốn

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH và TMDL Hải Định (Công ty Hải Định-Thanh Hóa) chia sẻ: Đơn vị có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến, nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.

Đặc biệt, năm nay, hầu hết các xe nghỉ từ 30-4 đến giờ, nhúc nhắc được vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Lúc chưa cấm xe thì nhiều tuyến xe cũng phải nghỉ do không có khách hoặc khách quá ít mà không đủ tiền dầu. Xe nghỉ nên hàng loạt lao động mất việc làm. Phải ngừng hoạt động do dịch, không có nguồn thu nhưng mỗi tháng Công ty Hải Định vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng cho việc tu bổ xe, bảo dưỡng, trả lương cho 6 lao động…

"Xe nằm một chỗ lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hư hỏng buộc phải có thợ bảo dưỡng, sửa chữa… chi phí cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến tiền lãi suất hằng tháng", bà Trần Thị Hải cho biết và bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp phần nào bớt khó khăn hơn.

Thế nhưng, không phải muốn vay là vay ngay được. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt thông tin: “Không chỉ Minh Thành Phát mà phần lớn các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không trông chờ tiếp cận được gói hỗ trợ này. Nguyên nhân là hầu hết các tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp chưa dừng hoạt động. Hà Nội cũng mới dừng hoạt động từ ngày 24/7 nên chúng tôi không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra”, ông Bằng nói và cho hay, theo Nghị quyết 68, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Đồng thời, không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Tuy nhiên, để đáp ứng được là rất khó. Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ lần 1 (gói thực hiện trước đó), ông Bằng cho biết, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm dài nhất mới là 28 ngày. “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng”, ông Bằng cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I cho hay, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 68, ông mới hay doanh nghiệp mình và nhiều hãng vận tải khác sẽ không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp taxi sẽ không tiếp cận được, bởi quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%… Tuy nhiên, 80% taxi của Mai Linh dừng hoạt động, số xe còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi, vậy nên bản chất có hoạt động cũng như không.

vat.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng vẫn khó tiếp cận gói vốn vay hỗ trợ.  

Ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không “nắm đằng chuôi”

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ôtô sụt giảm 70 - 80%. Vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao.

“Để vực dậy ngành Vận tải, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ lần này”, ông Quyền nói. Cũng theo ông Quyền, việc triển khai chính sách này như thế nào đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù lần này người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội cam kết giảm tối đa các thủ tục, song ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không “nắm đằng chuôi”.

Cần phải có sự thống nhất trong triển khai và sự tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực sự. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt.

Đề cập đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Bộ GTVT vừa báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các bộ, ngành về đề xuất của Bộ GTVT. Về giải pháp hỗ trợ thời gian tới, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ GTVT tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không đến hết năm 2021. Đối với đường sắt, sẽ bổ sung danh mục các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào và danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư; chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt...

Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay... Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% hoặc 0% đến hết năm nay đối với ngành kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đặng Nhật
.
.
.