Cần nhanh chóng hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
Dù ngân hàng trung ương các nước trên thế giới chưa thông báo về lộ trình chấm dứt tăng lãi suất, nhưng từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là vẫn còn quá cao, ngoài sức “với” của doanh nghiệp.
Khẳng định NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát vẫn khó lường.
Trong nước, lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn; thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; tỷ giá diễn biến ổn định, NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, các TCTD cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.
“Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc khẳng định.
Dù các động thái của NHNN được đánh giá là quyết liệt, song theo số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tại thời điểm cuối tháng 4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 2,75% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng 2,57% vào ngày 20/4. Tuy nhiên, xu hướng trong tháng 5/2023 là không khả quan. Tính đến ngày 9/5, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,69% và số liệu mới cập nhật nhất (tính đến ngày 16/5) chỉ đạt 2,72% so với cuối năm 2022.
“Nguyên nhân là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn; các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn; lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối (100-150 điểm cơ bản), nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Ngoài ra, sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm”, chuyên gia của VDSC lý giải.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường ít nhất cần phải giảm về mức trước COVID-19. Do vậy, doanh nghiệp vẫn cần một động thái “mạnh dạn” hơn từ chính sách và sự hợp lực của các ngân hàng thương mại.
“Đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về mức trước COVID-19 (năm 2019) hay thậm chí thấp hơn mức đó, cho thấy động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cũng như là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng trước COVID-19”, các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán SSI Research khuyến nghị.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, NHNN đã tuân thủ mục tiêu chính sách tiền tệ, ưu tiên hàng đầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và điều quan trọng hơn là phải đáp ứng được vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm. Cho nên, khi lạm phát được kiểm soát tốt rồi, đã xuống 3,5% rồi, lúc đó chúng ta phải nhanh chóng hạ lãi suất. Chính vì vậy, NHNN cần phải tiếp tục hạ lãi suất, và các ngân hàng thương mại trong thời điểm này phải chung sức với người bạn đồng hành của mình, phải hi sinh lợi nhuận, mạnh dạn cắt giảm lãi suất nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh…”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống. Bài toán khó đặt ra ở đây là NHNN phải tìm được điểm hài hòa, vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong công điện mới đây đã yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.