Cần có phương án sản xuất phù hợp với tình hình chống dịch kéo dài

Thứ Bảy, 04/09/2021, 08:52

Công ty UNIPAX (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) trước hoạt động với 900 công nhân, khi dịch COVID-19 bùng phát phải ngưng sản xuất. Trong kế hoạch quay lại sản xuất, Công ty UNIPAX dự kiến thu nhận 400 công nhân ở TP Vị Thanh, đồng thời thực hiện xét nghiệm, nắm danh sách công nhân theo quy định trước khi vào làm việc.

Trong 44 doanh nghiệp (DN) còn hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” trên địa bàn TP Vị Thanh, có 5 DN thuộc cụm công nghiệp tập trung, với hơn 200 lao động. Trường hợp DN thu nhận mới hoặc mở rộng sản xuất, quy mô lao động trên 30 người sẽ do tỉnh phê duyệt phương án.

“Hiện, có 13 DN trong cụm công nghiệp đã trình phương án hoạt động gắn với công tác phòng, chống dịch. Trong đó, có DN dự kiến đón vào hàng trăm công nhân. Tuy nhiên, do hầu hết DN thuộc ngành dệt may cần công nhân đông, mà đa số lại ở ngoài địa phương nên để đáp ứng số lượng cần thiết cho hoạt động sắp tới cần phải tính đến các phương án đảm bảo an toàn”- bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND TP Vị Thanh cho hay.

Nhiều công ty ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có động thái chuẩn bị trở lại sản xuất. Vừa qua, Công ty Hải sản Việt Hải và Công ty Chế biến nông sản Tiến Thịnh (huyện Phụng Hiệp) đã liên hệ ngành chức năng hướng dẫn thực hiện, phê duyệt phương án “3 tại chỗ”. Các DN còn đề xuất phương án đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi địa phương đã thực hiện kế hoạch bảo vệ vùng xanh có thể xem xét thực hiện “2 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” (DN thuê nơi ở gần nhà máy tự tổ chức đưa đón công nhân). Mặt khác, lao động trong thời gian dài thực hiện “3 tại chỗ” phát sinh nhiều bất cập nên cần tính đến phương án sản xuất khác phù hợp với tình hình chống dịch kéo dài.

Cần có phương án sản xuất phù hợp với tình hình chống dịch kéo dài -0
Mô hình “3 tại chỗ” phát sinh nhiều bất cập, doanh nghiệp kiến nghị cần có phương án sản xuất khác phù hợp với tình hình chống dịch kéo dài.

Ông Đoàn Thanh Vũ, Phó trưởng BQL các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang thông tin, thời gian qua, các công nhân tham gia “3 tại chỗ” được chủ DN lo chỗ ăn, ở và đảm bảo thu nhập nhưng tồn tại vấn đề tâm lý khi tập trung trong nhà máy quá lâu; lo lắng cho gia đình không ai chăm sóc; không quen môi trường sống tập thể. Bên cạnh đó, chi phí vận hành “3 tại chỗ” cao, tác động đến giá thành sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn và không bền. Nhiều DN kiến nghị đưa ra các mô hình sản xuất thay thế tùy theo tình hình kiểm soát dịch ở địa phương…

Để hạn chế thiệt hại của DN, đưa hoạt động sản xuất dần hồi phục, BQL các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang đề nghị cho phép DN thu nhận lao động lưu trú tại các địa phương được công nhận vùng xanh trong tỉnh. Trước khi vào DN, công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. DN phải xét nghiệm hằng tuần cho 100% công nhân, người lao động. Đối với công nhân từ vùng vàng, vùng đỏ, vùng cam phải thực hiện cách ly theo quy định của UBND tỉnh tại từng thời điểm cụ thể… Ngoài ra, cần ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tại các khu, cụm công nghiệp, thành lập các tổ y tế cộng đồng để giám sát quá trình di chuyển công nhân.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong 3 tháng (6, 7, 8-2021), gần 10.000 DN ÐBSCL đã rút khỏi thị trường (đóng cửa, giải thể); gần 90% DN tạm ngưng hoạt động. Doanh thu trong quý II-2021 của hầu hết DN bị giảm sút từ 40-50%; một nửa DN đáp ứng kế hoạch kinh doanh sản xuất 50% công suất. Việc nuôi trồng nông, thủy sản tại các hộ dân, HTX nông nghiệp gần như bị “đóng băng”.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, nhiều khả năng sau giãn cách, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nông, thủy sản sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo các DN, cần có sự thống nhất về chính sách giữa các địa phương; người lao động cần được ưu tiên tiêm vaccine để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất; xem xét lại mô hình “3 tại chỗ”, tìm ra mô hình khác hoạt động hiệu quả cho DN; các chính sách hỗ trợ của ngân hàng dành cho DN; chính sách hỗ trợ DN, người lao động chịu ảnh hưởng dịch COVID-19…

Đồng hành, sát cánh cùng DN, Chính phủ thời gian qua thường xuyên lắng nghe, chia sẻ các khó khăn của DN. Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong quý II-2021, Chính phủ tiếp tục ban hành thêm hàng loạt chính sách, giải pháp kịp thời nhằm cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra của DN thông qua hàng loạt chính sách, như: giảm tiền điện; lùi thời điểm đóng phí công đoàn; giảm mức đóng bảo hiểm; tạm dừng đóng các quỹ hưu trí và tử tuất. Hỗ trợ giảm dòng tiền ra của DN thông qua hàng loạt chính sách tài khóa như: gia hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ cho ôtô; giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, hiệu quả. Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, hỗ trợ thúc đẩy DN chuyển đổi số. Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã được cộng đồng DN ghi nhận, phần nào giảm bớt khó khăn mà DN đang gánh chịu, giúp có thể duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đức Văn
.
.
.