Các khu công nghiệp “khát” lao động
Những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị thiếu hụt lao động trầm trọng…
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động
Theo số liệu của cơ quan chức năng thì Khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 31 doanh nghiệp FDI, 101 doanh nghiệp trong nước. Trong đó có 9 doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên. Vào thời điểm trước Tết tại khu vực này có 34.786 lao động làm việc. Tuy nhiên, sau Tết, số lao động đi làm trở lại ngày càng giảm sút. Bình quân các doanh nghiệp tại các Khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh có số lao động đi làm chỉ đạt 50 - 60%. Trong đó, có một số doanh nghiệp có ngày chỉ đạt 37% công nhân đi làm.
Thực trạng này khiến cho tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu hụt lao động trầm trọng khiến các doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy, tạm ngừng tình hình sản xuất kinh doanh do không đáp ứng các đơn hàng cho đối tác. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho công tác phòng, chống dịch như: Chi phí phun khử khuẩn, test COVID-19 cho công nhân, chi phí trả lương cho người lao động nghỉ việc cách ly...
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp bị nhiễm COVID-19 tăng nhanh với số lượng lớn. Theo báo cáo, đến cuối tháng 2 vừa qua, trong KKT, KCN có 56 doanh nghiệp phát hiện hơn 5.864 F0, trong đó, có một số doanh nghiệp phát hiện từ 200 đến gần 2.000 F0. Dự báo số lượng các ca nhiễm tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trong khi người lao động lo lắng, bất an về dịch bệnh do trong doanh nghiệp phát sinh nhiều F0, F1 dẫn đến tâm lý bất an, nhiều công nhân tự ý nghỉ việc.
Trước thực trạng trên, những tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Cụ thể đến thời điểm hiện nay đã có hơn 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động với số lượng dự kiến khoảng 16.500 lao động được tuyển dụng mới trong năm 2022.
Trong đó, có 10 doanh nghiệp hiện nay đang tuyển dụng. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và may mặc, cụ thể như: Công ty Luxshare- ICT Nghệ An tại KCN VSIP hiện có hơn 7.000 lao động và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 7.000 lao động trong năm 2022, Công ty may Matsuoka - KCN VSIP sẽ tuyển dụng thêm 2.000 lao động, Công ty sản xuất linh kiện điện tử (IMS) 700 lao động, Công ty TNHH Matrix Vinh - KCN Bắc Vinh 500 lao động. Đặc biệt Tập đoàn GOERTEK Vina đang xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại KCN WHA dự kiến trong quý III năm 2022 sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 và giải quyết việc làm khoảng từ 10.000 - 15.000 lao động và khi hoàn thiện nhà máy giai đoạn 2 sẽ sử dụng đến 30.000 lao động.
Chung tay gỡ khó
Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt. Cùng với triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nhất là triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân, hỗ trợ các chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, kết nối cung cầu lao động; thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 27/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, trước tình hình có dấu hiệu phát sinh hiệu ứng đình công, ngừng việc tại các doanh nghiệp Nghệ An, Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Ban quản lý KKT Đông Nam hướng dẫn, tuyên truyền doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở về tăng cường nắm bắt tình hình vướng mắc, kiến nghị của người lao động, đồng thời thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp sử dụng đông công nhân lao động nắm bắt tình hình quan hệ lao động và hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa đình công, ngừng việc trái luật nhằm hạn chế thiệt hại đến doanh nghiệp và người lao động làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Được biết, nguồn nhân lực của Nghệ An hiện nay rất dồi dào, nhưng việc tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp trong KKT, các KCN vẫn còn gặp khó khăn, chủ yếu do mức lương, thu nhập và điều kiện làm việc của hầu hết các doanh nghiệp tại Nghệ An vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác nên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đủ hấp dẫn để cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực tại địa phương, vì vậy trong thời gian tới chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm cải thiện nhiều hơn đến thu nhập, tiền lương và điều kiện làm việc của người lao động.