Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 giải pháp "gỡ khó" cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp (DN).
Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Các số liệu đã chứng minh sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn các lao động , nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng động DN, Bộ KH-ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dựa trên phương châm “sớm nhất- hiệu quả nhất”, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh: Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao với người dân. Nghiên cứu cơ chế cho phép DN tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vaccine và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, công khai thông tin đối với các đối tượng đã được tiêm phòng.
Đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN...
Đặc biệt, Bộ KH-ĐT kiến nghị cần có hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch COVID-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của DN.