BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và truyền thông chính sách đến cơ sở

Chủ Nhật, 22/10/2023, 16:26

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 có hiệu quả. Ngoài ra, BHXH còn phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

Truyền thông lan tỏa tới từng nhóm chủ thể, từng hộ gia đình

Ngành BHXH Việt Nam luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và truyền thông chính sách đến cơ sở -0
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên xuống cơ sở, kiểm tra công tác triển khai Đề án 06.

Theo đó, công tác truyền thông tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức, không chỉ truyền thông trên diện rộng, mang tính phổ quát mà còn có chiều sâu, truyền thông trực tiếp tới các nhóm chủ thể, truyền thông “trực tiếp 1-1” đến từng hộ gia đình.

Hầu hết cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chỉ đạo công tác truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các doanh nghiệp (DN) đã được nâng cao; người dân, người lao động (NLĐ) ngày càng hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT. 

Đặc biệt, trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững cho NLĐ, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, BHXH Việt Nam còn tập trung tuyên truyền, đối thoại với NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tư vấn trực vấn tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện và Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành; đẩy mạnh truyền thông trên các cơ quan báo chí, qua Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/ Zalo OA của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, trên Tạp chí BHXH… giúp NLĐ hiểu được những thiệt thòi khi rút BHXH một lần để tiếp tục tích lũy, tham gia BHXH, BHYT với nhiều quyền lợi thiết thực.

Qua công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2022 đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng BHXH, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này. Trên thực tế, nhiều NLĐ đến cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần nhưng được cán bộ tại bộ phận Một cửa tuyên truyền, giải thích thì đã từ bỏ ý định và bảo lưu thời gian đóng để khi có việc làm sẽ tiếp tục tham gia  BHXH, BHYT, BHTN hoặc chủ động đóng BHXH tự nguyện nhằm cộng nối thời gian để được hưởng lương hưu khi về già. 

Công tác chuyển đổi số tiếp tục có những bước tiến vững chắc

Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta. 

BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và truyền thông chính sách đến cơ sở -0
Triển khai mạnh mẽ việc sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện.

Hiện, Ngành đang quản lý hơn  91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 94%. BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); hoàn thành cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”,“Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện”, “Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT”; triển khai hiệu quả ứng dụng VssID… tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN.

Mặt khác, Ngành đã phối hợp triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) phục vụ người dân đi KCB BHYT đạt gần 100% cơ sở KCB; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở KCB… Đến nay, toàn bộ các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Qua đó, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và cơ sở KCB BHYT.

Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.

Có thể nói, những kết quả tích cực, toàn diện đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đươc giao, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, NLĐ, DN đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Hiếu Quỳnh
.
.
.