Bắc Ninh chủ động đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Tỉnh Bắc Ninh đang chủ động nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, các nguồn lực hợp pháp bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, phù hợp với các định hướng và mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Bắc Ninh đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong đó, công nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt các mục tiêu tăng trưởng khác. Được biết, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng trưởng đều đặn qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh. Hiện nay, Bắc Ninh nằm trong top đầu các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước. Tỉnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxconn và LG.
Báo cáo mới nhất về tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong số 31,4 tỷ USD tổng vốn đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam năm 2024, Bắc Ninh chiếm tới 16% với 5,04 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2023.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhờ cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… mà nguồn vốn FDI liên tục “đổ” về Bắc Ninh thời gian qua. Điều này góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất điện tử và công nghệ cao hàng đầu Việt Nam.
Thống kê từ UBND tỉnh Bắc Ninh, năm 2024, chỉ số toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng năm 2024 tăng 5,9% so với cùng kỳ, ước tính năm 2024 con số này là 6,2%. Từ đầu năm đến nay, một số sản phẩm chủ yếu vẫn duy trì được lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Sắt, thép dùng trong xây dựng tăng 90,6%; Dược phẩm có chứa vitamin tăng 43,6%; Máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối tăng 25,3%...
Ông Lưu Bảo Trung, Giám đốc Sở Công Thương, Bắc Ninh cho rằng, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao đã mang đến “nguồn sinh khí mới” cho Bắc Ninh khởi sắc, phát triển. Từ công tác quy hoạch, đến quá trình chỉ đạo và thực hiện, các khu công nghiệp không chỉ là một bộ phận riêng biệt mà tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối liên thông, phục vụ nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh dự án, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, tác động tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ngoài 16 khu công nghiệp đã được quy hoạch, Bắc Ninh bổ sung 5 khu công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích khoảng 1.805 ha. Điều này cho thấy định hướng tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tạo động lực dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tỉnh Bắc Ninh nổi lên như một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư và hiện đại hóa sản xuất. Để đạt được những thành tựu này, Sở Công Thương Bắc Ninh đóng vai trò không nhỏ, góp phần định hình chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Sở Công Thương Bắc Ninh đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường quốc tế. Các hoạt động như xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm và kết nối giao thương đã giúp các doanh nghiệp Bắc Ninh xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế với đối tác quốc tế. Ngoài ra, Sở còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), như EVFTA hay RCEP. Qua đó, nhiều sản phẩm chủ lực của Bắc Ninh, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp và điện tử, đã có mặt tại các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Bắc Ninh hiện là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại. Theo đó, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, bao gồm: Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường năng lực sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tạo chuỗi giá trị bền vững.