Áp lực trả nợ trái phiếu tiếp tục đè nặng doanh nghiệp

Thứ Sáu, 02/08/2024, 06:05

Trong khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành giảm mạnh, thì áp lực chậm trả nợ TPDN, đặc biệt là đối với DN bất động sản lại gia tăng. Tính tới tháng 7 có 116 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, tháng 7/2024, giá trị TPDN phát hành thành công giảm 82% với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Các đợt phát hành đáng chú ý bao gồm: VietinBank (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%); SHB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).

tpdn10.jpg -0
Nhà đầu tư ưu tiên trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

Việc các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt đẩy mạnh phát hành trái phiếu được cho là nhằm cùng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay của DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm. Tính từ đầu năm, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 96.200 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 65%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm.

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 32.600 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 47.500 tỷ đồng), tỷ trọng 22%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm. Các DN phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng).

Cũng thông tin về thị trường TPDN, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết, trong quý II, cả lợi suất và kỳ hạn phát hành TPDN đều giảm so với quý I: Kỳ hạn phát phát hành đạt 3,33 năm, lãi suất trung bình đạt 9,26%/năm. Trong đó, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành đóng góp chủ yếu xu hướng này. Cụ thể, song hành với xu hướng giảm lãi suất huy động, lợi suất trái phiếu tại nhóm này giảm 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Tính tới ngày 24/6, quy mô dư nợ toàn thị trường TPDN riêng lẻ khoảng 1,02 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10% GDP nền kinh tế.

Đáng chú ý, tình trạng chậm trả gốc, lãi vẫn tiếp diễn. VCBS thống kê 6 tháng đầu năm 2024 có 70 lượt công bố liên quan tới 58 trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi và chậm thanh toán mua trước hạn. Số tiền chậm trả trái phiếu là xấp xỉ 6.500 tỷ đồng lãi và khoảng 11.900 tỷ đồng gốc. Còn theo MBS, tính đến ngày 18/7, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng 10.100 tỷ đồng, giảm 60% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 84.500 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều DN đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Trong tháng 7/2024, đã ghi nhận thêm 3 DN công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 DN.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng tuần đầu tháng 7/2024 có 9 DN thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu (chủ yếu là gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng). Các DN chậm thanh toán hoặc phải giãn nợ trái phiếu chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, tiêu biểu như Địa ốc No Va, Bất động sản Gia Đức, Bất động sản Vĩnh Xuân, Bất động sản Ngọc Minh. Trước đó, trong tháng 6/2024 cũng có nhiều DN bất động sản tuyên bố chậm thanh toán hoặc xin giãn nợ trái phiếu, tiêu biểu như Bất động sản Cát Liên Hoa, Bất động sản Vĩnh Xuân, Địa ốc No Va, Đầu tư Big Gain, Thành phố AQUA, Địa ốc Hoàng Cát, Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương…

Theo thống kê của FiinGroup, tính tới tháng 5/2024, tỷ lệ chậm trả trái phiếu (kể cả TPDN cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn) là gần 18%; riêng khối TPDN phi ngân hàng, tỷ lệ chậm trả là gần 26%. Giá trị TPDN có vấn đề khoảng 215.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 5/2024. Bất động sản là ngành có quy mô trái phiếu chậm trả lớn nhất với tỷ lệ chậm trả lên đến 42,5%...

Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả. Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 140.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (gần 59.000 tỷ đồng), tương đương 42%.

Sang năm 2025, VCBS tính toán giá trị TPDN đáo hạn sẽ tăng mạnh, khoảng 250 ngàn tỷ đồng, và năm 2026 là khoảng 230 ngàn tỷ đồng. Sau thời gian gia hạn tối đa 2 năm (theo Nghị định  08/2023/NĐ-CP), lượng trái phiếu chậm trả gốc lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau 2025. Tuy nhiên, với dự báo lãi suất đã tạo đáy và nhích tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tái cấu trúc vay nợ, hay giảm bớt áp lực chi phí vốn.

Các chuyên gia đánh giá Nghị định 08 vẫn đang tạo khung pháp lý cho quá trình đàm phán gia hạn trái phiếu. Các điều khoản đàm phán gia hạn có sự đa dạng hơn: điều chỉnh linh hoạt và theo sát diễn biến mặt bằng lãi suất. Thời hạn mua lại trái phiếu được điều chỉnh theo hướng trì hoãn thêm. Ngược lại, ở chiều phát hành, VCBS cho biết các DN phát hành trái phiếu tiếp tục ưu tiên sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm giúp tăng cường sự minh bạch và tính hấp dẫn của thị trường TPDN. Phía nhà đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân quy mô vốn nhỏ sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trái phiếu phát hành ra công chúng với các nhà phát hành có xếp hạng tín nhiệm.

Hà An
.
.
.