Áp lực đáo hạn trái phiếu

Thứ Bảy, 08/07/2023, 08:41

Tính đến ngày 26/6 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng. Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 - 24 tháng. Trong khi lãi suất trái phiếu được tính trong khoảng thời gian trái phiếu được gia hạn phần lớn cũng được thỏa thuận tăng so với lãi suất ban đầu của trái phiếu, với mức tăng từ 0,5% - 3% tùy theo khoảng thời gian gia hạn của trái phiếu.

Thế nhưng, không phải DN nào cũng có thể thương lượng để gia hạn TPDN. Trong bối cảnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều DN gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.

Áp lực đáo hạn trái phiếu -0
Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Theo ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng TPDN của các DN trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Với thực tế này, các chuyên gia dự báo hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục sôi động trong quý 3. Ngoài ra, áp lực TPDN đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay. Theo số liệu ước tính, trong năm 2023, giá trị đáo hạn TPDN vào khoảng 223,4 nghìn tỷ đồng. Trong quý 3, sẽ có khoảng hơn 75,9 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn. Nhóm BĐS là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43,6% tổng giá trị TPDN đáo hạn, đứng thứ 2 là nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.

Hà An
.
.
.