Vẫn làm khó doanh nghiệp với điều kiện kiểu “con gà - quả trứng”

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:34
Là cơ quan sở hữu số điều kiện kinh doanh hàng đầu và cũng là địa chỉ được kỳ vọng hàng đầu trong việc gỡ bỏ các rào cản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), nhưng những động thái gần đây của Bộ Công Thương có vẻ vẫn lưng chừng.

Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí chỉ ra những điểm cho thấy, Bộ Công Thương mới dừng lại ở hạ thấp rào cản, chứ chưa dỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp.

Nghị định 19/2016 tuy ra đời chưa lâu, nhưng ngay khi có hiệu lực đã gây nhiều sóng gió, với nhiều quy định được cho là hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN, như: quy định về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối, thủ tục hành chính rườm rà...

Nghị định kinh doanh khí là một trong những thước đo về sự chân thành của Bộ Công Thương trong cam kết “cởi trói” cho doanh nghiệp.  Ảnh: Đ.T..

Đặc biệt, điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa, chai LPG, thương nhân phải sở hữu cầu cảng, trạm nạp, trạm cấp khí, thiết lập hệ thống phân phối... là rào cản cho sự phát triển của DN. \

Theo một nghiên cứu về điều kiện kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Để đáp ứng được điều kiện thương nhân phải có tối thiểu 100.000 vỏ bình, phải có bồn chứa 3.000m³… buộc DN phải đầu tư gần 100 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác về hệ thống nạp, kho chứa và đất đai, nhà xưởng… là quá sức đối với các DN nhỏ và vừa.

Do đó, hàng loạt DN đã phải rút lui khỏi cuộc chơi vì không thể đáp ứng được điều kiện về quy mô. Tính đến ngày 7-3-2017, trên thị trường chỉ có 8 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí và 35 thương nhân đủ điều kiện làm thương nhân phân phối khí được cấp theo quy định tại Nghị định 19 - phần nào cũng cho thấy sự “khắc nghiệt” của điều kiện.

Nhận định những rào cản kinh doanh này không còn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35, nên tại Quyết định 1078 ngày 25-7-2017, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 19.

Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra, khi DN lớn và đang tồn tại thì muốn nâng quy mô – thậm chí cao hơn cả Nghị định 19, DN nhỏ muốn hạ quy mô để tham gia thị trường. Với nhiệm vụ cân bằng lợi ích và với lời hứa tạo điều kiện thuận lợi cho DN, dự thảo của Bộ Công Thương vẫn yêu cầu thương nhân có bồn chứa khí với dung tích tối thiểu 3.000m³ với LPG, 60.000m³ với LNG... Bộ Tư pháp cho rằng, đây vẫn là quy định quy mô tối thiểu cần xem xét loại bỏ để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của DN.

Lý do của việc áp đặt quy mô được cho là để đảm bảo an toàn, nhưng Bộ Tư pháp cho rằng: Điều kiện về quy mô cơ bản không có mối liên hệ nào với việc đảm bảo trật tự công cộng, an toàn cháy nổ, an toàn tính mạng con người... Góp ý về quy định này, đại diện CIEM đã từng nhấn mạnh: Nghị định nên tập trung vào việc đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn chứ không tập trung vào việc DN có bao nhiêu kho, bao nhiêu chai. “Có 1 vỏ mà an toàn cũng ổn. Tăng điều kiện 200.000 – 300.000 vỏ mà người ta cố tình vi phạm vẫn vi phạm”.

Các chuyên gia của CIEM và VCCI cho rằng: Trong khi các mục tiêu chính sách chưa phù hợp thì những quy định về điều kiện quy mô trên sẽ khiến thị trường cạnh tranh trở nên méo mó. Chỉ có những thương nhân có tiềm lực tài chính mới có thể đáp ứng được các điều kiện, vô hình trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể gia nhập hoặc bị loại khỏi thị trường. Thị trường sẽ chỉ là “sân chơi” của các ông lớn.

Quy định kiểu “con gà – quả trứng” vẫn hiện hữu, khi Khoản 1 Điều 10 dự thảo quy định thương nhân kinh doanh phải có hợp đồng mua bán khí tối thiểu 1 năm với thương nhân xuất nhập khẩu hoặc thương nhân sản xuất, chế biến khí.

Quy định này được Bộ Tư pháp cho là “không hợp lý”, bởi thương nhân chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí thì không thể ký kết hợp đồng mua bán. Quy định dạng này đã bị các chuyên gia của CIEM và VCCI kịch liệt phê phán, vì cho rằng đây là dạng điều kiện kiểu đánh đố DN. Muốn làm tham gia thị trường phải có hợp đồng đại lý với thương nhân xuất nhập khẩu hoặc sản xuất; thương nhân sản xuất chỉ ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh đã có giấy phép, vô hình trung khiến chẳng DN nào đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị làm rõ cơ sở của việc hạn chế thương nhân kinh doanh chỉ được ký hợp đồng mua bán khí với 1 thương nhân xuất nhập khẩu hoặc sản xuất, bởi quy định này có thể làm cản trở sự gia nhập thị trường của thương nhân mua bán khí có quy mô nhỏ, hạn chế phát triển thị tường kinh doanh khí, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.

Một điểm khác được Bộ Tư pháp yêu cầu giải trình thêm là Điều 7 dự thảo nêu rõ: quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí do UBND tỉnh lập. “Quy hoạch này được hiểu rằng, nếu DN xin phép thành lập cơ sở kinh doanh khí mà không có trong quy hoạch hoặc vượt quá quy hoạch thì sẽ không được chấp thuận, và nếu DN hoạt động nằm ngoài quy hoạch là vi phạm pháp luật. Đây là quy định đã tồn tại ở Nghị định 19/2016 và Nghị định 107/2009, nhưng trên thực tế, việc lập quy hoạch cơ sở kinh doanh khí (nhất là ở địa phương) hầu như không khả thi. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, quy hoạch do cơ quan Nhà nước lập theo kỳ và thường có độ trễ, không theo kịp với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, các DN thường rất nhanh nhạy trong việc nhìn ra nhu cầu của xã hội và đáp ứng nhu cầu đó, do đó, nên để thị trường tự quyết định về số lượng các cơ sở kinh doanh sẽ tốt  hơn Nhà nước làm việc đó” – Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Vũ Hân
.
.
.