Tìm giải pháp để ngân hàng Việt vươn xa

Thứ Sáu, 10/05/2019, 09:25
Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019 với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa”, được tổ chức sáng 8-5-2019, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh lãi suất, ngành ngân hàng (NH) còn phải đối mặt với những vấn đề khác như áp lực tỷ giá, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu...

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành NH, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận.Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần tích cực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Về lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp (bình quân năm 2016: 1,83%; 2017: 1,41%; 2018: 1,48%), tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%.

Về lãi suất, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng, thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD); mặt bằng lãi suất thị trường liên NH được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định.

Đánh giá cao thành tựu của ngành NH năm 2018, TS Võ Trí Thành cho rằng điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn. Điểm đặc biệt của năm 2018 là NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỉ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.

Đưa ra cảnh báo về những tác động từ bên ngoài, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC nhấn mạnh, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn. Bất kì diễn biến nào của nền kinh tế thế giới cũng tác động đến Việt Nam.

Hiện sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn trước. Tuy nhiên nếu có chiến tranh thương mại thế giới xảy ra thì dư địa của chúng ta không được tốt, cần có sự chuẩn bị. Còn TS Cấn Văn Lực thì lưu ý, gần đây, áp lực lạm phát lớn với hàng loạt giá tăng mạnh mà chúng ta chưa lường trước được.

“Việc kiểm soát lạm phát đang rất khó khăn, cần coi đây là vấn đề trọng tâm. Giảm bớt tâm lý kì vọng lạm phát. Cần có kịch bản quan trọng trong thời điểm biến động, tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu để ổn định kinh tế vĩ mô. Với hệ thống NH, nợ xấu của chúng ta tích cực, nhưng vẫn còn cao, dù có Nghị quyết 42. Hơn nữa, vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho NH thương mại”, TS Lực khuyến cáo.

Từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Còn về chiến lược phát triển ngân hàng 5 năm tới, các chuyên gia đều cho rằng, việc củng cố nội lực sẽ giúp ngành NH đón đầu những thách thức, cơ hội để vươn cao hơn trong khu vực châu Á, trong đó, phát triển tín dụng xanh sẽ là xu hướng của tương lai…

Hà An
.
.
.