Thủy điện nhỏ có phải tác nhân gây lũ ở miền Trung

Thứ Sáu, 30/10/2020, 17:48
Đây là chủ đề chính được các chuyên gia thảo luận tại buổi toạ đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10.


Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin cho rằng việc các công trình thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và phá rừng là tác nhân gây ra lũ lụt nặng nề ở miền Trung. Từ đó, nhiều ý kiến đặt ra cần loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ. 

PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết, thiên tai ngày càng có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu. Miền Trung đã và đang trải qua những khó khăn vô cùng lớn do lũ lụt. 

Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng, tuy nhiên không có đập thủy điện, lũ vẫn thế thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều. Hiện, Việt Nam không phải là nước phát triển quá nhiều thuỷ điện. Thậm chí, so với thế giới, số lượng thuỷ điện của Việt Nam chưa thấm vào đâu.

Cần quản lý chặt việc xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, đặc biệt trong xả lũ hồ thủy điện.

Tại Việt Nam, hiện đã có quy định vận hành hồ chứa. Khi mưa về, các hồ sẽ xả nước tới mức đón lũ. Nhưng khi mưa lớn, lượng nước về hồ lớn, nước trong hồ dâng lên tới ngưỡng xả, hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Các hồ thủy điện này xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước đổ về hồ. 

Ngoài ra, các hồ thủy điện có tác dụng trữ nước khi lũ về tốt hơn rừng. Rừng ở Việt Nam là rừng nguyện sinh, giữ được lượng nước trên cây, các tầng đất... Hồ thủy điện với mức đón lũ 4m nước, trong khi rừng chỉ tích được tối đa 0,2m. 

 Tuy nhiên, ông Ca cũng không phủ nhận có thực tế phá rừng để làm thủy điện, làm đường bao quanh công trình, nhà máy một cách trái quy định. Thuỷ điện nhỏ miền Trung với các hồ chứa nhỏ tích được rất ít nước, không phát điện được lâu. Nhưng khi điện gió, điện mặt trời không phát điện được thì thuỷ điện có thể phát bù, hoà lưới. Đây là loại điện giúp ổn định an ninh năng lượng. Tuy nhiên, PGS. TS. Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, thời gian tới nên phát triển các dạng năng lượng khác. 

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia tư vấn xây dựng các công trình thủy điện, nhìn chung các hồ thủy điện nhỏ đều có rất ít, hoặc không có khả năng điều tiết lũ, tích nước. Dù vậy, tại miền Trung, các hồ thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị cắt 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày hôm qua, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%... 

Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016. Hiện, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội. Hiện còn khoảng hơn 800 thuỷ điện các loại, trong đó có hơn 600 đang vận hành. Các công trình thủy điện khi đưa vào xây dựng phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Điện lực...

Dư luận không đồng thuận với thủy điện vì lý do gây lũ, tôi cho rằng không chính xác, có thể do thông tin chưa đến với người dân đầy đủ nên cũng có những thông tin sai lệch. 

Ông Nguyễn Tài Sơn cho rằng, hồ chứa chính là hạng mục quan trọng, ảnh hưởng môi trường, an toàn, vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng khi quyết định cho phép đầu tư ở các dự án sau này. Do vậy, điểm đáng lưu ý nhất là cần quản lý chặt việc xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, đặc biệt trong xả lũ hồ thủy điện.

Lưu Hiệp
.
.
.