Thưởng Tết: Người lao động sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp

Chủ Nhật, 20/12/2020, 08:57
Trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang phải chật vật lo lương, tìm cách giữ việc làm cho người lao động. Còn người lao động cũng chỉ mong muốn có việc làm ổn định, nếu có thêm việc làm để tăng ca, kiếm thêm thu nhập thì càng tốt.


Do đó, không ít người lao động sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp khi đề cập đến việc thưởng Tết năm nay. Còn đối với doanh nghiệp, doanh thu sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí còn âm. Nhưng cũng đang cố gắng xây dựng phương án thưởng Tết cho công nhân, người lao động của mình.

Chỉ mong có việc làm ổn định

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là tinh thần chung của đa số công nhân, người lao động khi trải qua một năm đầy biến động này. 8 năm làm công nhân tại một công ty điện tử (KCN Quang Minh, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hằng cho biết, chưa khi nào công ty của chị lại bị ảnh hưởng như năm nay. Quãng thời gian giãn cách xã hội, không ít công nhân phải nghỉ luân phiên. Hoạt động sản xuất chỉ ổn định lại từ khoảng đầu tháng 8, nhưng cũng không có thêm nhiều việc làm cho công nhân tăng ca.

Người lao động sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.

“Thu nhập trước, cả tăng ca trung bình gần 8 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn chưa đầy 6 triệu. Chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Doanh thu công ty sụt giảm mạnh, do đó chúng tôi xác định tinh thần chia sẻ với công ty về khoản thưởng Tết, quan trọng nhất là động viên tinh thần cho người lao động. Với chúng tôi, duy trì việc làm với thu nhập hằng tháng ổn định đã là điều rất tốt trong bối cảnh hiện nay”, chị Hằng bày tỏ.

“Anh Nguyễn Ngọc Anh, hướng dẫn viên một công ty du lịch bình thản khi nhắc đến chuyện thưởng Tết. Theo anh Ngọc Anh, quy mô công ty không lớn, chưa đầy 40 người, nhưng tất cả cùng sẵn sàng tâm lý thưởng Tết có thì phấn khởi, không có cũng không sao. “Công ty chủ yếu dẫn tour khách ra nước ngoài. Từ lúc có dịch, cả công ty gần như ngừng hoạt động. Cắt giảm lương, nhưng cũng chỉ cố được vài ba tháng, công ty đành phải cho nhân viên tạm nghỉ ở nhà. Bước sang tháng 7, công ty chuyển qua khai thác tour nội địa cho anh em có việc làm nhưng cũng chỉ túc tắc. Mình phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ dạy thêm ngoại ngữ, bán hàng online… Thế nên thưởng tết đối với các công ty du lịch năm nay là chuyện xa xỉ, chỉ mong dịch được dập tắt để ngành du lịch có thể khởi sắc trở lại”, anh Ngọc Anh tâm sự.

Thực tế các doanh nghiệp đang phải gồng mình để giải quyết không ít thách thức. Với các doanh nghiệp nhỏ, ít nhân viên thì doanh thu vẫn có “đồng ra đồng vào”, việc tính toán thưởng Tết có thể dễ dàng hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp thâm dụng lao động. Chính vì thế đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ doanh nghiệp nào đưa ra phương án thưởng Tết cho người lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân, hiện công ty vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Song, quan điểm là, dù khó khăn, công ty vẫn cố gắng cân đối để có tiền thưởng Tết cho người lao động. Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải cho hay, tìm nguồn để thưởng Tết cho 4.500 lao động là rất khó. Hiện, công đoàn đang đàm phán với công ty, với hy vọng sẽ giữ mức thưởng Tết như năm ngoái, trung bình 0,8 tháng lương/người. Ngoài ra, công ty sẽ duy trì việc làm, bảo đảm trả đủ tiền làm thêm, không áp dụng hình thức cho công nhân nghỉ việc luân phiên.

Doanh nghiệp “bạc đầu” cân đối

Đây là chia sẻ của ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân, đơn vị chuyên về các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản. Với gần 4.000 công nhân, nếu thưởng Tết mỗi người một tháng lương thôi thì con số này cũng rất lớn trong bối cảnh công ty cũng đang phải “chạy ăn từng bữa” như hiện nay. “Dịch COVID-19 không chỉ khiến đơn hàng giảm mà công ty còn đối mặt với tình trạng nhiều đối tác nợ tiền hàng dài hạn. Từ đầu năm đến nay, một lượng lớn hàng sản xuất vẫn ở trong kho do đối tác chờ dịch bệnh kiểm soát ổn định hẳn mới tiếp nhận.

Chính vì thế mà phải chờ hết năm cân đối tài chính cụ thể thế nào công ty mới tính được phương án thưởng Tết. Thưởng Tết không chỉ là một "hành vi tài chính" đơn thuần mà còn là một nghĩa cử mang ý nghĩa đạo lý. Nên dù khó khăn đến mấy, công ty cũng vẫn cố gắng có khoản thưởng "không nhiều thì ít", gọi là chút quà tình nghĩa để ghi nhận công lao của những cộng sự đã "đồng cam cộng khổ" cùng doanh nghiệp trong suốt một năm đầy sóng gió”, ông Hùng chia sẻ

Với hơn 45 nghìn công nhân, trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam chi khoảng 30- 40 tỷ đồng để thưởng Tết. Thế nhưng năm nay, tình hình kinh doanh khó khăn, doanh thu chỉ bằng 60% năm ngoái, nên số tiền thưởng tết này đối với công ty rất lớn. “Công ty đang chờ đến hết năm 2020, chốt doanh số rồi mới dám tính đến thưởng. Năm nay tiền thưởng Tết có thể ít hơn nhiều, giảm đến 40-50%, và nếu thưởng 1 tháng lương thì phải lấy từ quỹ năm ngoái”, ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho biết.

Cũng phải chờ chốt tài chính mới có thể xây dựng phương án thưởng Tết, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Nam Hà cho biết, đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp năm nay sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Vì thế đến giờ công ty chưa có phương án thưởng Tết cụ thể. 

“Việc thưởng tết rất quan trọng, vì chúng ta vẫn thường nói “một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tính toán giữ chân người lao động sau Tết. Do đó, từ giờ đến hết năm, công ty chắc chắn cũng sẽ tính toán thưởng Tết cho công nhân, cố gắng được tháng lương thứ 13 như mọi năm là phương án tốt nhất”, ông Dũng cho hay. 

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, mặc dù các doanh nghiệp chưa báo cáo về phương án thưởng Tết, nhưng dự báo mức thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn do tình hình kinh tế gặp khó khăn. 

Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trên địa bàn xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết và sớm công khai để người lao động biết, giám sát thực hiện. Với những lao động gặp khó khăn, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ.

Phan Hoạt
.
.
.