Thông tin thêm về HTX Thống Nhất trốn thuế

Thứ Ba, 12/06/2018, 09:00
Sau khi Báo CAND phản ánh về tình trạng trốn thuế của Hợp tác xã xe khách liên tỉnh du lịch và dịch vụ Thống Nhất (gọi tắt là HTX Thống Nhất) ở TP HCM, một loạt chủ xe khách chạy tuyến cố định và cũng là xã viên của HTX Thống Nhất tiếp tục có đơn trình báo với cơ quan chức năng.


Theo đó, xã viên tiếp tục khẳng định khoản tiền mỗi đầu xe phải nộp hàng tháng (gồm cả tiền thuế, phí) và từ trước tới nay, các chủ xe đều đã nộp thuế đầy đủ cho nhà nước thông qua HTX.

Trong khi đó, theo điều tra của PV Báo CAND, không phải gần đây, HTX Thống Nhất mới mới xảy ra chuyện lùm xùm về thuế, mà ngay từ cách nay gần 20 năm (tháng 7-1999), Viện trưởng VKSND quận 6 đã có văn bản “Kháng nghị vi phạm pháp luật tại HTX Thống Nhất”. 

Tại văn bản này, Viện KSND quận 6 đã yêu cầu HTX Thống Nhất phải có trách nhiệm nộp vào ngân sách số tiền thuế hơn 397 triệu đồng; trong đó, phải nộp ngay 208,6 triệu đồng; có trách nhiệm đôn đốc xã viên nộp thuế vào ngân sách số tiền là 188,5 triệu đồng trong thời gian ngắn. 

Riêng với số tiền thuế 177,2 triệu đồng, VKS yêu cầu HTX Thống Nhất có trách nhiệm theo dõi, để thu khi xã viên quay trở lại HTX. Với thời điểm cách đây gần 20 năm thì số tiền thuế hàng trăm triệu mà HTX thống nhất tính trốn của Nhà nước là con số rất “khủng”.

Gần đây, ngày 10-3-2017, Chi cục Thuế quận 6 đã buộc phải ra quyết định cưỡng chế bằng cách trừ tiền qua tài khoản của HTX tại ngân hàng để thu thuế số tiền gần 300 triệu đồng. 

Chưa dừng lại ở sự việc trên, theo biên bản bàn giao cho bộ phận kế toán ngày 5-5-2017 do ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Giám đốc HTX chủ trì bàn giao để nghỉ việc từ ngày này, ông Hồ Văn Hưởng, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất đã phải ký xác nhận cá nhân ông này đã mượn từ quỹ của HTX số tiền hơn 836,9 triệu đồng. 

Ngoài chuyện tự ý mượn quỹ của HTX để tiêu xài cá nhân, ông Hồ Văn Hưởng còn sẵn sàng đi vay bên ngoài với lãi suất “cắt cổ” để có tiền chi phí.

Theo quyết định ngày 10-7-2017 về việc trả lãi vay do chính Chủ tịch HĐQT Hồ Văn Hưởng ký, hàng tháng, HTX trả vốn cho bà H.H.T 20 triệu đồng, lãi 2%/tháng, trừ lãi dần hàng tháng trong khoản vay 270 triệu đồng; trả lãi cho bà H.H.T 6 triệu đồng tiền lãi 3% tháng trong khoản vay 200 triệu đồng; trả lãi cho bà V.T.B.V 2 triệu đồng cho khoản lãi 2%/tháng trong nguồn vay 100 triệu đồng.

Chỉ là HTX làm dịch vụ hỗ trợ xã viên hoạt động, không đầu tư kinh doanh gì nhưng phải đi vay với lãi suất “cắt cổ” kiểu lãi suất của “xã hội đen” đã khiến ông Thuận và một số xã viên biết sự việc này bất bình. 

Càng bất bình hơn khi tiền đã vay lãi để chi vào việc gì không được Chủ tịch HĐQT HTX Hồ Văn Hưởng thông qua HĐQT và chứng minh một cách rõ ràng bằng hóa đơn, chứng từ. 

Bởi với số lượng đầu xe thuộc top đầu trong các HTX vận tải khách ở TP Hồ Chí Minh, những năm qua khoản phí quản lý với đầu xe và một số khoản thu khác mà HTX này thu về hàng tháng là rất lớn, chi lương và hoạt động sẽ không thể hết các nguồn này.

Tìm hiểu nguyên nhân tại sao HTX này phải đi vay với lãi suất “cắt cổ” để chi phí?, PV Báo CAND được một số xã viên của HTX này cung cấp bảng thu chi một cách “vô tội vạ” theo kiểu tự thu, tự chi. 

Chẳng hạn như tại Đội xe số 5 thuộc HTX Thống Nhất, trong năm 2016, đội xe này đã thu được đến 900 triệu đồng. Tổng số tiền chi lương, thưởng Tết Nguyên đán cùng các khoản thưởng trong năm cho 2 cán bộ của đội xe và quỹ đội cũng chỉ hết hơn 185 triệu đồng. 

Thế nhưng đội xe này có những khoản chi rất “khủng”, như: chi cho bà B.V in hợp đồng hết hơn 50,2 triệu đồng; chi cho ông Hưởng 11 lần, mỗi lần 15 triệu đồng. Dù tự thu, tự chi không cần qua kế toán, thủ quỹ HTX như vậy nhưng khoản tiền Đội xe số 5 thu về trong năm vẫn còn đến gần 405 triệu đồng để HTX nộp ngân sách thay cho các chủ xe.      

Kết quả kiểm tra của VKSND quận 6 đối với HTX Thống Nhất sau 2 năm đi vào hoạt động đã xác định: “Phương tiện vận tải thuộc quyền sở hữu của xã viên, do xã viên tự quản lý và hạch toán; HTX có chức năng làm dịch vụ hỗ trợ và thông qua HTX, các xã viên nộp thuế vào ngân sách, nộp phí cho HTX…”. 

Từ đó đến nay, mô hình này hầu như không thay đổi, bằng chứng là trong phiếu thu tiền hàng tháng từ mỗi đầu xe đều được ghi là thuế, phí. Đồng thời trong các bảng kê chứng từ hóa đơn đầu vào, đầu ra để khấu trừ thuế hàng tháng, HTX Thống Nhất vẫn kê khai các hóa đơn mua dầu của chủ xe ở đầu vào và đầu ra là các hóa đơn theo hợp đồng dịch vụ vận tải khách do các chủ xe, xã viên đã thực hiện.

Kết quả kiểm tra của VKSND quận 6 cách đây gần 20 năm còn cho thấy, từ tháng 12-1997 đến tháng 4-1999, HTX đã thu hộ để nộp ngân số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Với 1.121 đầu xe, năm 1998, HTX Thống Nhất đã nộp thuế hơn 2,55 tỷ đồng. 

Còn nay, với khoảng 900 đầu xe các loại, chưa kể doanh thu rất lớn từ bán vé xe khách, chỉ trong quý 4 năm ngoái HTX này đã kê khai trên 500 hóa đơn dịch vụ hàng hóa bán ra, trong đó chủ yếu là xuất cho các đơn vị thuê xe theo hợp đồng của xã viên thì khoản thuế HTX này nộp ngân sách lại rất ít. Như vậy, HTX Thống Nhất có trốn thuế hay không, điều này Chi cục Thuế quận 6 là cơ quan phải biết rõ.

Bảo Sơn
.
.
.